Nơi “giao duyên” của con tôm Cà Mau và kết nối sản phẩm làng nghề đặc trưng
Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 (Festival) được tổ chức từ ngày 10/12 đến 13/12/2023, với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn được địa phương chuẩn bị bày bản, chu đáo. Đây là dịp để Cà Mau giới thiệu, quảng bá giới thiệu những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh và các địa phương trong khu vực ĐBSCL và một số tỉnh, thành trong cả nước.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài tỉnh quảng bá sản phẩm
Festival là sự kiện có quy mô cấp khu vực, qua đó thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối, du khách trong và ngoài nước đến trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tham quan, mua sắm.
Tại Festival, trong không gian trưng bày sản phẩm OCOP với hơn 0 gian hàng, trong đó, có hơn 100 gian hàng của các doanh nghiệp, chủ thể OCOP ngoài tỉnh.
Bà Lê Thùy Linh, Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Vương Yến ( trụ sở tại TPHCM), cho biết: “Tham gia Festival tôm lần này, tôi nhận thấy, tại sự kiện này, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, mua sắm. Do vậy, tôi cũng kỳ vọng qua đây sẽ giúp sản phẩm tốt cho sức khỏe từ tổ yến của công ty chúng tôi mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối với nhiều đại lý và nhà phân phối một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới”.
Bà Vũ Thị Bích Thuận, nhà phân phối sản phẩm trà túi lọc Kim Ngân Hoa, Công ty TNHH MTV Thái Minh Nguyên, tỉnh An Giang, chia sẻ: “ Đây là lần đầu tiên công ty chúng tôi đến với thị trường Cà Mau. Dịp này, công ty đem đến trưng bày và giới thiệu sản phẩm trà túi lọc Kim Ngân Hoa (sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh An Giang), chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng cho lần xúc tiến này”.
Bên cạnh hoạt động trưng bày sản phẩm OCOP, sự kiện còn diễn ra các hoạt động như: kết nối giao thương sản phẩm OCOP; hội thi sản phẩm OCOP tiêu biểu tại diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL, xúc tiến thương mại,… Với quy mô của sự kiện, nhiều doanh nghiệp, chủ thể OCOP trong và ngoài tỉnh đã đặt nhiều kỳ vọng về sự đột phá trong tiêu thụ sản phẩm.
Góp phần "cất cánh" ngành du lịch
Festival đã thu hút hàng chục ngàn lượt người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, thưởng thức văn hoá ẩm thực vô cùng đặc sắc của vùng đất cực Nam của Tổ quốc.
Không gian trưng bày tại Festival rất đa dạng. Các sản phẩm OCOP đặc trưng được trưng bày không chỉ riêng của tỉnh Cà Mau và các tỉnh vùng ĐBSCL mà còn có sự đóng góp của hàng chục gian hàng đến từ các tỉnh, thành phía Bắc. Tất cả các sản phẩm OCOP tạo ra sức hút hấp dẫn đối với khách tham quan.
Ông Trần Quốc Khanh (du khách đến từ tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Tôi đã có dịp tham gia nhiều sự kiện, tuy nhiên đến với Festival tôm Cà Mau lần này, tôi rất ấn tượng với các mặt hàng trưng bày tại Festival đều rất chất lượng mà giá cả thì hợp túi tiền được đầu bếp của các nhà hàng chế biến tại chỗ nên rất ngon và hấp dẫn. Sự kiện của Cà Mau tổ chức thật sự hấp dẫn, chu đáo tạo được sức lan toả”.
Bà Nguyễn Kim Liên (du khách đến từ Ninh Bình) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi đến Cà Mau nhân sự kiện Festival tôm. Một sự kiện được đầu tư bày bản, hiện đại làm nổi bật toàn bộ những đặc trưng về Cà Mau. Những ngày lưu lại Cà Mau tôi đã được thưởng thức nhiều món ăn rất đậm đà hương vị với mức giá phù hợp. Dân Cà Mau rất hào sảng và mến khách. Sau sự kiện lần này, tôi sẽ cùng gia đình đến khám phá, trải nghiệm vùng đất này thêm nhiều lần nữa”.
Ngoài tham quan các sự kiện diễn ra tại Festival, nhiều du khách ngoài tỉnh và quốc tế tranh thủ đến tham quan, trải nghiệm du lịch tại các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh này như: rừng ngậm mặn Mũi Cà Mau, rừng tràm U Minh Hạ và thưởng thức những món ăn đặc trưng đậm vị của địa phương như ba khía muối, cá thòi lòi, tôm đất, gỏi nhộng ong... đa số đều đánh giá cao tiềm năng phát triển ngành du lịch tỉnh.
Một du khách đến từ Bạc Liêu đánh giá: “Cái hay của tỉnh Cà Mau là giữ gìn được nét đẹp hoang sơ của các khu vực lâm phần rừng để phát triển du lịch sinh thái. Được trải nghiệm các tour du lịch xuyên rừng và lội bùn bắt cua biển, bắt ba khía tôi rất thích thú. Đó là lợi thế của Cà Mau trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng”.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023, là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch đầy ý nghĩa; là sự khẳng định và tôn vinh những người nuôi tôm gắn bó với tự nhiên, sinh thái mang đậm nét văn hoá truyền thống;
Tôn vinh những người đã có công đóng góp trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật góp phần sản xuất ra nhiều sản phẩm tôm có chất lượng, giá trị gia tăng cao; tôn vinh những người đã có công góp phần đưa sản phẩm tôm Cà Mau đến với người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới và cũng trân trọng tri ân đến người tiêu dùng đã tin tưởng chất lượng sản phẩm tôm Cà Mau.
“Đây thật sự là sự kiện “giao duyên” của con tôm Cà Mau và nhiều sản phẩm đặc sản được tạo ra trong quá trình lao động sáng tạo của người dân ở các làng trong vùng ĐBSCL và cả nước; là sự khát khao hội nhập của các địa phương, là sự cam kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau về nền sản xuất nông nghiệp môi trường xanh - chất lượng sạch.
Tỉnh Cà Mau mong muốn và cam kết tạo điều kiện để các nhà đầu tư có cơ hội khảo sát, tiềm hiểu, nghiên cứu tham gia, phát triển sản xuất, kinh doanh tại Cà Mau; góp phần đưa thương hiệu tôm Cà Mau và nhiều sản vật tiềm năng của Cà Mau và các tỉnh vùng ĐBSCL vươn ra thế giới, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Một số hình ảnh nổi bật tại Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023: