Chính trị

Đảm bảo chi phí hoạt động cho các cơ quan tố tụng

Duy Tuấn 13/12/2023 - 19:03

Phát biểu tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, chiều 13/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ ủng hộ việc ban hành Pháp lệnh này. Đồng thời, nhấn mạnh tinh thần của Quốc hội là tạo điều kiện tối đa cho ngành tư pháp, cho các cơ quan tố tụng thực hiện được nhiệm vụ theo đúng chức năng thẩm quyền, đồng thời đảm bảo tính khả thi và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tính cả dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 5 pháp lệnh, trong đó có đến 4 dự án là do TANDTC chủ trì soạn thảo.

ctqhc28.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

“Điều này cho thấy TANDTC đã rất tích cực, nỗ lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phối hợp kỹ lưỡng, công phu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có những nội dung cần thận trọng là cần thiết và việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội “xem xét thông qua tại hai phiên họp là phù hợp”.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo cần đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Viện dẫn Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được ban hành năm 2012… Trong khi, Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, bổ sung năm 2014 và có hiệu lực từ năm 20.

Theo Chủ tịch Quốc hội, như vậy, Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 “được ban hành trước Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 quy định rõ về 04 loại chi phí, đồng thời có nguyên tắc là các chi phí được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này và pháp luật có liên quan. Pháp lệnh 02 cũng nói rõ phạm vi nhưng không phải là tất cả chi phí tố tụng”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thật kỹ lưỡng nội dung của pháp lệnh này.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ những chi phí nào để đảm bảo hoạt động cho các cơ quan tố tụng, thì phải đảm bảo tối đa theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, kinh nghiệm thế giới.

toancanh1.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về tính khả thi của dự án Pháp lệnh này. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì Pháp lệnh không ủy quyền cho một cơ quan khác quy định chi tiết hướng dẫn của Pháp lệnh. Tuy nhiên, thực tiễn muốn chi được thì cần phải có quy định về định mức chi, tiêu chuẩn chi, cách chi đúng… Nên chăng, Pháp lệnh này chỉ quy định về loại chi, còn mức chi như thế nào thì sẽ do pháp luật chuyên ngành và yêu cầu các cơ quan tổ chức liên quan phải quy định mức chi, rồi dự toán chi cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các cơ quan tố tụng phải có ý kiến đối với dự án Pháp lệnh này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho ngành tư pháp, cho các cơ quan tố tụng thực hiện được nhiệm vụ theo đúng chức năng thẩm quyền, đồng thời đảm bảo tính khả thi và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nội dung quy định của Pháp lệnh theo thẩm quyền được giao.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý Ban soạn thảo, tại sao Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi phí về tố tụng, nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự thì lại không giao?

plcptt.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp

“Kinh nghiệm quốc tế thì chi phí tố tụng hình sự là do Nhà nước bảo đảm, bởi Nhà nước là chủ thể duy nhất có trách nhiệm, nghĩa vụ chứng minh cá nhân, pháp nhân là có tội và Nhà nước bảo đảm ngân sách cho thực hiện nhiệm vụ này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch yêu cầu, những vướng mắc trong tố tụng hình sự, nhất là về chi phí giám định tư pháp, định giá tài sản “nên chăng phải giải quyết trong các luật chuyên ngành về giám định tư pháp, về định giá và dự toán ngân sách nhà nước của các cơ quan tố tụng”?

Giải quyết yêu cầu thực tiễn cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử

Phát biểu giải trình làm rõ thêm các vấn đề Chủ tịch Quốc hội đặt ra, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự không giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn về chi phí tố tụng.

chanhan1.jpeg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu giải trình làm rõ thêm các vấn đề Chủ tịch Quốc hội đặt ra.

“Tuy nhiên, theo truyền thống pháp lý, Pháp lệnh số 02 từ nhiều năm nay đã quy định vấn đề này và trên thực tế nếu không quy định thì sẽ gây vướng ở hiện tại và trong tương lai còn vướng hơn nữa ”, Chánh án nêu rõ.

Viện dẫn Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 135, khoản 4, mục c có "quy định về các chi phí khác", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, “hiện chúng ta chưa có hướng dẫn về các chi phí khác. Trong khi đó, thực tế các chi phí khác hiện nay càng ngày càng lớn”.

Chánh án đưa ra ví dụ: các vụ lừa đảo qua mạng, nạn nhân là hàng chục nghìn người, “nếu tống đạt giấy tờ cho hàng chục nghìn nạn nhân thì sẽ rất khổ, vất vả cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát. Toà án chỉ đọc lệnh, còn 2 cơ quan này chủ yếu hồ sơ giấy tờ”.

“Hay vụ Tân Hoàng Minh, liên quan đến người đầu tư trái phiếu. Hay sắp tới là vụ SCB liên quan đến Vạn Thịnh Phát sẽ có hàng chục nghìn nạn nhân, sẽ phát sinh rất nhiều chi phí khác trong thực tiễn và đang ngày càng nhiều, phức tạp. Rất nhiều việc tống đạt giấy tờ đòi hỏi chi phí”, Chánh án nêu.

toancanh33.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Chánh án TANDTC cho biết thêm thực tế, khi vận chuyển hồ sơ xét xử Đại án ngân hàng xây dựng “đưa lên máy bay 3 tạ tài liệu, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, không cơ quan nào trả khoản chi phí này. Cuối cùng, Toà thực hiện nhiệm vụ xét xử phải thanh toán. Trong tương lai còn nhiều việc tương tự”.

Chánh án cũng nêu rõ: “Nếu bỏ đi và đưa vào dự toán thì Công an và Viện kiểm sát không thể hoạch định được một năm nay có bao nhiêu vụ án lừa đảo qua mạng. Cũng không thể dự liệu được có bao nhiêu nạn nhân. Đây cũng là bài toán thực tiễn, nếu chúng ta không làm việc này thì sẽ rất khó”.

Từng trải qua cả môi trường công tác ở cả 3 giai đoạn là điều tra, truy tố, xét xử… Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đề nghị cần quy định thêm các chi phí khác vào dự thảo Pháp lệnh này vì “thực tế công việc đòi hỏi tống đạt rất nhiều văn bản, hồ sơ”.

Cũng tại phiên họp, Chánh án Nguyễn Hoà Bình đã giải trình các nội dung liên quan đến chi phí cho Hội thẩm nhân dân khi tham gia phiên tòa. Theo tinh thần này, Chánh án nhấn mạnh “không thể có chuyện Hội thẩm tham gia phiên tòa hành chính, dân sự thì có chi phí, còn các vụ án hình sự thì không”.

Từ thực tiễn và truyền thống pháp lý, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị, giữ phạm vi dự thảo Pháp lệnh bao gồm quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, nhằm giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Tại phiên thảo luận, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng giải trình làm rõ thêm một số nội dung các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Tư pháp chủ trì phối hợp với TANDTC và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các phiên họp, tọa đàm…, đặc biệt phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp mời các chuyên gia tham gia thêm ý kiến về dự thảo Pháp lệnh.

pctnkdinh.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, tinh thần Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý ủng hộ việc ban hành Pháp lệnh mới với việc quy định các loại chi phí tố tụng một cách đầy đủ, bao quát nhất để tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ quan tư pháp, các cơ quan tố tụng thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, công dân và tổ chức có liên quan thực hiện.

Phó Chủ tịch đề nghị "phải tháo gỡ được thực tiễn các vấn đề đang đặt ra như tinh thần của Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo, nhằm tạo điều kiện tốt nhất, quy định một cách đầy đủ nhất theo đúng thẩm quyền các cơ quan tố tụng, các cơ quan tư pháp và thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện".

Duy Tuấn