Hội nghị về khí hậu ở Dubai đã đạt được gì?
Sau một năm nhiệt độ cao kỷ lục và lượng phát thải khí nhà kính ngày càng tăng, các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc năm 2023 (COP28) đã đồng ý loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Thỏa thuận lịch sử loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch
Bằng cách đặt nền móng cho một quá trình chuyển đổi nhanh chóng, công bằng, công lý, Thỏa thuận COP28 được coi là báo hiệu cho “sự khởi đầu của kết thúc" kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch.
Ngày 13/12, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) kết thúc muộn hơn 1 ngày so với lịch dự kiến ban đầu (12/12) do tranh luận về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Cuối cùng, các nhà đàm phán đến từ gần 200 quốc gia đã thông qua thỏa thuận “chuyển đổi dần khỏi nhiên liệu hóa thạch”.
Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber tuyên bố “lịch sử đã được tạo nên”. Ông nói: “Lần đầu tiên chúng ta nhắc đến nhiên liệu hóa thạch trong thỏa thuận cuối cùng. Chúng ta nên tự hào về thành tựu lịch sử của mình”.
Gõ búa kết thúc Hội nghị, Chủ tịch COP28 Sultan Al Jaber đã mô tả thỏa thuận này là một “chiến thắng thực sự” của sự thống nhất, đoàn kết và hợp tác; chiến thắng cho những người chân thành và chân chính trong việc giải quyết thách thức khí hậu toàn cầu.
Thành tích sớm bất ngờ
Hội nghị về khí hậu của Liên hợp quốc năm nay đã bắt đầu với thành tích bất ngờ. Các đại biểu từ hơn 190 quốc gia đã chính thức ra mắt quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại vào ngày đầu tiên của cuộc đàm phán. Đức và UAE đều đóng góp 100 triệu USD (khoảng 93 triệu euro) để giúp các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những tác động ngày càng cực đoan của biến đổi khí hậu, như lũ lụt, hạn hán và mực nước biển dâng cao. Vương quốc Anh, Mỹ và Nhật Bản cũng đưa ra những cam kết nhỏ hơn, nâng tổng số tiền cam kết cho đến nay lên 700 triệu USD.
Các nhà quan sát ca ngợi sự tiến bộ này, mặc dù chỉ ra rằng cần phải làm nhiều hơn nữa. Theo ước tính của các chuyên gia khí hậu, tài trợ cho tổn thất và thiệt hại sẽ cần đạt từ 0-400 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
COP28 còn mang lại điều gì?
Một số sáng kiến khác cũng đã được công bố hoặc nâng cao trong các cuộc đàm phán ở Dubai.
Khoảng 130 quốc gia cam kết tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng gấp ba công suất lắp đặt năng lượng tái tạo trên thế giới vào năm 2030.
Nhiều quốc gia khác cũng đã ký vào Cam kết Khí metan toàn cầu năm 2021, ủng hộ các nỗ lực giảm 30% lượng khí thải nhà kính cực mạnh trong thập kỷ này. Và 50 công ty dầu khí, cùng nhau sản xuất khoảng 40% lượng dầu của thế giới và 35% tổng lượng dầu và khí đốt, cũng hứa sẽ loại bỏ khí thải metan và đốt cháy thường xuyên vào năm 2030.
Khí metan, chủ yếu được tạo ra từ quá trình sản xuất nhiên liệu hóa thạch và chăn nuôi động vật, chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 hiện tượng nóng lên toàn cầu, chỉ đứng sau carbon dioxide, nhưng tồn tại tương đối ngắn. Kế hoạch hạn chế phát thải khí metan cũng dễ thực hiện hơn với nhiều phương pháp sẵn sàng được áp dụng.
Những sáng kiến này, nếu được thực hiện, sẽ giúp làm chậm sự thay đổi nhiệt độ toàn cầu, nhưng chúng không thể kiềm chế được sự nóng lên ở mức 1,5 độ C (2,7 độ F) kể từ thời tiền công nghiệp.
Một phân tích do Cơ quan Năng lượng Quốc tế liên chính phủ (IEA) công bố vào ngày 10/12 cho thấy các cam kết về năng lượng tái tạo, hiệu suất và khí metan sẽ chỉ giảm 30% lượng khí thải liên quan đến năng lượng so với mức cần thiết vào năm 2030.
Brazil “sẵn sàng làm gương”
Sau nhiều năm nạn phá rừng gia tăng dưới thời cựu Tổng thống và người hoài nghi về biến đổi khí hậu Jair Bolsonaro, Brazil đã tận dụng COP28 như một cơ hội để đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu và bảo tồn.
Phát biểu trước các đại biểu, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nói: "Không quốc gia nào sẽ giải quyết vấn đề của mình một mình. Tất cả chúng ta đều có nghĩa vụ cùng nhau hành động vượt ra ngoài biên giới của mình".
Ông nói thêm: “Brazil sẵn sàng làm gương dẫn đầu”. Tổng thống Lula cho biết, Brazil đã áp dụng các mục tiêu khí hậu mới “tham vọng hơn nhiều so với nhiều nước phát triển”.
Brazil cũng đề xuất một quỹ toàn cầu mới sẽ tài trợ cho các quốc gia để giữ nguyên các khu rừng nhiệt đới. Nước này cam kết sẽ loại bỏ nạn phá rừng ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon vào năm 2030. Theo số liệu từ chính quyền Tổng thống Lula, tỷ lệ phá rừng ở Amazon đã giảm 22% trong năm nay.
Brazil cũng tuyên bố tại COP28 rằng họ đang tìm cách trở thành quốc gia quan sát viên tại OPEC+, một nhóm các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn. Khi được hỏi về sự mâu thuẫn, Tổng thống Lula cho biết Brazil - một trong số 10 quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới - sẽ thúc đẩy các quốc gia sản xuất dầu khác chuyển sang sử dụng năng lượng xanh.