Môi trường

Giải pháp nào để khắc phục ô nhiễm không khí?

Hà Kim /12/2023 - 09:06

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam dẫn đến những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người, vì vậy phải sớm tìm giải pháp để giảm thiểu tình trạng này.

o-nhiem-kk.png
Ô nhiễm không khí đang ngày càng nghiêm trọng

Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí ở nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), chỉ số AQI ở nhiều khu vực tại Hà Nội luôn dao động ở mức trên 0 - 200 đơn vị. Đây là mức độ rất nguy hại gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người.

Việt Nam là quốc gia xếp thứ 36 trong tổng 177 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao nhất trên toàn cầu. Theo thống kê của Iqair, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Việt Nam vượt quá 4,9 lần so với mức độ không khí đảm bảo.

Thực tế từ đầu tháng 11/2023 đến nay, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc khá trầm trọng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng sức khỏe người dân. Lớp sương mù trắng đục và bụi mịn liên tục bao phủ Thủ đô.

Vấn đề ô nhiễm không khí tại nước ta đang cảnh báo sự nguy hiểm tới sức khỏe con người, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí ngày càng tăng. Theo như thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO, trong mỗi năm có tới 7 triệu ca tử vong sớm do phơi nhiễm với ô nhiễm không khí. Trong đó, bụi PM2.5 chính là nguyên nhân chủ yếu vì loại bụi siêu mịn này có thể đi sâu vào trong cơ thể con người.

Theo các chuyên gia, để có thể kiểm soát được ô nhiễm không khí, cần sự nỗ lực, chung tay phối hợp của các bộ ngành, địa phương. Việc ứng dụng chuyển đổi số là cơ hội lớn, nếu thực hiện sẽ nắm được thông tin dữ liệu cần thiết, xác định nguồn ô nhiễm, xác định nguyên nhân, trách nhiệm rõ ràng, phân bổ hợp lý các nguồn lực. Đây là cơ hội vàng, biến cơ hội thành việc làm cụ thể để bảo vệ môi trường.

Hà Nội đã triển khai quyết liệt một số giải pháp nhằm hạn chế một số nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí nhỏ, xóa được hơn 99% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công. Thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày khu vực đô thị đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt 80%. Đồng thời, đưa vào vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt, giám sát chất lượng môi trường khí thải, nước thải các khu, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Đây là nỗ lực rất lớn của Hà Nội khiến không khí ô nhiễm về đêm như đã từng xảy ra do đốt rơm rạ, đốt gạch... hiện nay đã không còn. Dù vậy theo đánh giá của các chuyên gia những nỗ lực này chưa đủ, cần phải có chiến lược tổng thể quyết liệt hơn.

Cùng với đó, triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn. Thành phố cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; rà soát đầu tư xây dựng, chỉnh trang công viên, hồ điều hòa yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải…

Các chuyên gia cho rằng, TP Hà Nội cần cùng phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để xây dựng chiến lược cụ thể cho bài toán ô nhiễm không khí. Trong đó, TP Hà Nội cần xây dựng chiến lược quản lý chất thải bền vững để đảm bảo loại bỏ việc đốt rác ngoài trời, tăng tỷ lệ thu gom, phân loại và tái chế, thu hồi khí mê tan tại các bãi chôn lấp và tăng tỷ lệ làm phân hữu cơ; giải quyết nguồn phát thải amoni từ hoạt động nông nghiệp, sử dụng phân bón vô cơ và hoạt động chăn nuôi.

H Kim