Vụ Vạn Thịnh Phát: Trưởng đoàn Thanh tra nhận tiền, che đậy sai phạm của SCB thế nào?
Để Ngân hàng SCB không bị đưa vào “sổ đen” đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, nữ Chủ tịch Trương Mỹ Lan đã mua chuộc, tác động những người có chức vụ, quyền hạn, trong đó trưởng đoàn thanh tra đã nhận 5,2 triệu USD để che giấu, bưng bít sai phạm.
Như Báo Công lý đưa tin trước đó, VKSNDTC vừa ban hành cáo trạng truy tố số 219/CTr-VKSTC-V3 đối với bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về 3 tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Cùng vụ án, VKSNDTC còn truy tố 85 bị can, trong đó người là cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; 1 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước.
Trưởng đoàn Thanh tra nhận 5,2 triệu USD
Theo cáo trạng truy tố vụ Vạn Thịnh Phát, quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB năm 2017-2018, Đoàn thanh tra do Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng chủ trì và ban hành kết luận.
Về nội dung, kết quả thanh tra, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, người ra quyết định thanh tra, trưởng, phó đoàn thanh tra, một số thành viên trong đoàn biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu, tại các khoản vay của nhóm khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Hồ Chí Minh), cũng như biết rõ thực trạng tài chính rất xấu của SCB.
Cáo buộc cho rằng, nhằm che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém cũng như các sai phạm của SCB, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Trương Mỹ Lan đã mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước. Trong đó, người nhận tiền nhiều nhất từ SCB phải kể đến bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước). Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra.
Bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận từ Ngân hàng SCB số tiền đặc biệt lớn là 5,2 triệu USD để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.
Theo cáo trạng, vì động cơ cá nhân, vì lợi ích vật chất nhận được từ SCB, ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) đã chỉ đạo bà Đỗ Thị Nhàn, để bà Nhàn chỉ đạo Tổ tổng hợp và các thành viên Đoàn thanh tra cố tình che giấu, bưng bít sai phạm của SCB. Từ đó, dự thảo kết luận thanh tra, báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ với mục đích không chuyển các sai phạm của Ngân hàng SCB sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho SCB tiếp tục được thực hiện Đề án tái cơ cấu.
Hành vi của nhóm bị can gồm: Ông Nguyễn Văn Hưng, và một số cán bộ thuộc Đoàn thanh tra đã vi phạm quy định tại Luật Thanh tra, Thông tư 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Thông tư 36/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, phạm vào tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Hưng được xác định có vai trò chủ mưu, các bị can khác có vai trò giúp sức cho hành vi làm trái công vụ của ông Hưng. Hành vi nhận tiền để làm trái công vụ của Đoàn thanh tra đã tạo điều kiện cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm rút tiền và sử dụng tiền trái pháp luật tại Ngân SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền 514.102 tỷ đồng.
Tình hình của SCB ở thời điểm khởi tố như thế nào?
Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của Ngân hàng SCB thể hiện, tổng số tiền mà SCB huy động của người dân và vay của các cơ quan tổ chức khác tại thời điểm ngày 17/10/2022 là 673.586 tỷ đồng.
Bao gồm: 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng; 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá; 66.030 tỷ đồng vay Ngân hàng Nhà nước; 12.693 tỷ đồng tiền gửi và 6.756 tỷ đồng vay của các tổ chức tín dụng khác.
Vốn chủ sở hữu của SCB tại thời điểm ngày 17/10/2022 được ghi nhận trên sổ sách là 21.036 tỷ đồng (bao gồm vốn của SCB, các Quỹ trích lập quy định, chênh lệch tỷ giá và lợi nhuận chưa phân phối). Tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán tại ngày 17/10/2022 là 713.420 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra của Đoàn thanh tra liên ngành (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia) xác định: Tỷ lệ nợ xấu của SCB là 20,92% (quy định <3%); tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ (CAR): 6,5% (quy định >9%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 13,28% (quy định <= 50%); tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ: 62,95% (Ngân hàng Nhà nước cho phép không quá 55%).
Đến tháng 10/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định về việc kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng SCB. Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu Ngân hàng SCB thuê tổ chức kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ… của SCB.
Kết quả kiểm toán xác định, Ngân hàng SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng.
Nữ chủ tịch Trương Mỹ Lan rút hơn 1 triệu tỷ khỏi SCB đi đâu?
Theo cáo trạng truy tố của VKSNDTC, trong thời gian từ năm 2012 - 10/2022, bị can Trương Mỹ Lan bắt đầu thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần tuyệt đối của Ngân hàng SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần), qua đó trở thành cổ đông có “quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thực chất là "thao túng" toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Cụ thể, sau khi thâu tóm Ngân hàng SCB, bà Lan chỉ đạo lập khống hồ sơ và được SCB giải ngân hơn 2.527 khoản cho nhóm của mình với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỷ đồng.
Tính đến ngày 17/10/2022 còn 1.284 khoản vay (gồm: 440 cá nhân vay 512 khoản và 435 tổ chức vay 772 khoản), dư nợ còn 677.286 tỷ đồng (trong đó: 483.971 tỷ đồng nợ gốc và 193.3 tỷ đồng nợ lãi/phí).
Các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi, dư nợ gốc các khoản vay của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB.
Về dòng tiền đã giải ngân, Ngân hàng SCB ghi nhận số tiền giải ngân cho các cá nhân, pháp nhân theo các phương án vay vốn đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân.
Theo cơ quan truy tố, dù xác định dòng tiền 483.917 tỷ đồng dư nợ gốc của 1.284 khoản vay, song thực tế Ngân hàng SCB đã giải ngân là 525.480 tỷ đồng. Khoản tiền này, bà Lan đã chuyển ra ngoài hệ thống SCB rút tiền mặt hơn 381.800 tỷ đồng; trả nợ khoản vay cũ tại SCB hơn 57.000 tỷ; chuyển khoản nội bộ trong SCB hơn 5.200 tỷ đồng; tổ chức cá nhân rút tiền mặt hơn 81.000 tỷ đồng.
Trong cáo trạng không đề cập chi tiết bà Lan đã sử dụng các khoản tiền này như thế nào, song Viện KSNDTC xác định khi tiền rút khỏi ngân hàng, bị can sẽ chỉ đạo cấp dưới chuyển từ công ty được giải ngân sang tài khoản của các pháp nhân, cá nhân "ma".
Khi cần sử dụng, bà Lan yêu cầu "chuyển tiền lòng vòng" trong các công ty trong hệ sinh thái với hàng nghìn công ty con Vạn Thịnh Phát để tránh bị kiểm toán.
Trường hợp cần tiền mặt, bà Lan chỉ đạo nhân viên làm các thủ tục khống để hợp thức chứng từ rút tiền. Sau đó, sẽ chỉ đạo lái xe dùng ô tô chở về nhà riêng ở tòa nhà Sherwood số 127 Pasteur, quận 3, TP Hồ Chí Minh hoặc trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193-203 Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh.
Từ tháng 2/2019 đến 9/2022, lái xe đã vận chuyển 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD (khoảng 355 tỷ đồng) tiền mặt từ Ngân hàng SCB về nhà bà Lan, hoặc trụ sở Vạn Thịnh Phát.
Cơ quan tố tụng còn xác định có nhiều lần, bà Lan chỉ đạo lái xe đưa tiền cho một số người.