Sức Khỏe

Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023 – 2025 tại TPHCM

Chu Phương 20/12/2023 - 21:36

UBND TPHCM vừa ban hành Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với mục tiêu chung bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó mục tiêu cụ thể là giảm số ca mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương, giảm ca nặng và tử vong do COVID-19 đồng thời đảm bảo việc quản lý bệnh COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Kế hoạch yêu cầu ngành y tế cần theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước, trên thế giới (biến chủng mới, biến thể mới, tăng bất thường,...), lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút.

1703062107220-12-23-vacxincovid.jpg
Ngành y tế TPHCM xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng chống COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng, đặc biệt ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao.

Lấy mẫu xét nghiệm sớm đối với những trường hợp bệnh viêm đường hô hấp nặng hoặc người có triệu chứng nghi ngờ thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; quản lý danh sách, cập nhật đầy đủ thông tin người thuộc nhóm nguy cơ (bệnh nền, tình trạng sức khỏe, tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19,...). Tư vấn về việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đủ liều và đúng lịch theo quy định của Bộ Y tế và chăm sóc, điều trị bệnh nền cho người thuộc nhóm nguy cơ.

Đồng thời củng cố hoạt động của hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc kịp thời các trường hợp bệnh không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.

Về công tác điều trị thì các cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thận nhân tạo...).

Quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng; theo dõi và kịp thời điều trị các biến chứng sau khi mắc COVID-19. Tổ chức phổ biến về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình mới.

Kế hoạch cũng yêu cầu ngành y tế TPHCM xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng chống COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng, đặc biệt ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao. Đồng thời lồng ghép tiêm vắc xin COVID-19 vào hoạt động tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với tình hình thực tế.

Chu Phương