Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới gắn với hoạt động của TAND
Ngày 22/12, TANDTC phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam tổ chức Hội thảo Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới gắn với hoạt động của TAND.
Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC; đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; Thẩm phán TANDTC Ngô Tiến Hùng; đồng chí Trần Đức Vinh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác Thông tin - Tuyên truyền TAND - Tổng Biên tập Báo Công lý, cùng đại diện các đơn vị chức năng của 3 đơn vị. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu TAND các tỉnh, thành phố.
Tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật ATGT thông qua hoạt động xét xử
Phát biểu khai mạc và quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình phối hợp giữa TANDTC và Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du nhấn mạnh: Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, trong đó có hoạt động tuyên truyền về bảo đảm trật tự ATGT.
Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.
Cũng theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, thông qua các vụ án, bản án, các cơ quan truyền thông đã chủ động xây dựng nhiều tuyến bài, chuyên đề, tổ chức biên tập, sản xuất hàng nghìn tin bài, phóng sự báo chí, phóng sự truyền hình đem lại hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ, thu hút người dân quan tâm, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực trật tự ATGT từ Trung ương đến địa phương.
Diễn biến quá trình giải quyết, xét xử một vụ án được tái hiện sinh động bằng các ngôn ngữ báo chí, các thủ pháp nghệ thuật truyền hình, có ý nghĩa thiết thực và dễ dàng đi vào đời sống nhân dân. Từ các nội dung tuyên truyền, người dân có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; hiểu được nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm.
Để phát huy hiệu quả của Chương trình phối hợp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du đề nghị TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thống nhất xây dựng kế hoạch, ký kết Chương trình phối hợp với Ban ATGT các cấp. Nội dung ký kết phù hợp với tình hình hoạt động của từng địa phương.
Trên các cơ sở đó, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du tin tưởng rằng Chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào mục tiêu chấp hành pháp luật, kiềm chế TNGT đang là nỗi lo của xã hội hiện nay.
Tuyên truyền pháp luật bằng nội dung bản án
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe tham luận về vai trò của hệ thống TAND trong công tác Thông tin - Tuyên truyền về bảo đảm trật tự ATGT do TS. Nguyễn Văn Nam (Học viện Tòa án) chia sẻ và tham luận về vai trò của bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với công tác bảo đảm trật tự ATGT, do chuyên gia Nguyễn Hữu Cường, Thành viên Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
TS. Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trật tự ATGT thông qua các hoạt động của hệ thống TAND, đặc biệt là công tác xét xử.
Thông qua hoạt động xét xử đã tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT, làm rõ nguyên nhân, hậu quả, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm về trật tự ATGT; xây dựng các án lệ liên quan tới xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT để xử lý kịp thời, nâng cao tác dụng giáo dục và răn đe.
Đồng chí Khuất Việt Hùng cho hay, theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong những năm gần đây, tai nạn giao thông giảm sâu. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc đồng bộ quyết liệt của hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng, trong đó có vai trò rất quan trọng của TANDTC và TAND các cấp.
Từ kết quả xét xử và các hoạt động tuyên truyền giáo giục pháp luật thông qua phiên tòa của hệ thống Tòa án, mỗi bản án là một kênh thông tin truyên truyền lan tỏa những thông điệp quan trọng để tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân, dần hình thành thói quen văn hóa tham gia giao thông an toàn.
Ông Khuất Việt Hùng chia sẻ.
Xoay quanh nội dung của Hội thảo, các Phó Chánh án, Thẩm phán TAND các cấp, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban ATGT các tỉnh, thành phố đều khẳng định vai trò của TAND trong công tác bảo đảm trật tự ATGT có ý nghĩa rất lớn.
Qua công tác xét xử, hình phạt mà Tòa án áp dụng vừa có tính giáo dục, thuyết phục và tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và thay đổi hành vi, ý thức chấp hành các quy định của người tham gia, làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông.
Bên cạnh những vấn đề thực tiễn xảy ra đối với các vụ án giao thông được xét xử tại Tòa án, một số tình huống pháp lý, hay các cơ quan truyền thông cần phải có giải pháp gì để có thể khai thác hiệu quả, những vấn đề cần được nhân rộng các mô hình tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng lái xe, các trung tâm đào tạo... cũng được các đại biểu tại điểm cầu trung tâm cũng như các tỉnh, thành phố đưa ra thảo luận.
Đồng chí Bùi Đăng Huy, Phó Chánh án TAND tỉnh Hải Dương cho hay, Hải Dương là một tỉnh nằm giữa hai thành phố lớn là Hà Nội và Hải Phòng, mật độ giao thông cao, kéo theo nhiều vụ án về TNGT. Điển hình là vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại huyện Kim Thành khiến 8 người chết và 8 người bị thương. Vụ án này, TAND Kim Thành đã đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo 13 năm tù về tội Vi phạm về quy định điều khiển giao thông đường bộ.
Để giảm bớt các vụ việc vi phạm giao thông, đồng chí Huy đề xuất cần có hướng dẫn điều chỉnh căn cứ khoa học và hợp lý đảm bảo cho việc xét xử áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xét xử lưu động đối với các vụ án điểm vi phạm về trật tự ATGT.
Trả lời về việc mã hóa và chuyển thể các bản án thành các tài liệu tuyên truyền sẽ mang lại hiệu quả giáo dục pháp luật đối với cộng đồng ra sao, đồng chí Nguyễn Đình Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ I TANDTC cho biết, việc mã hóa các bản án rất quan trọng, thông qua nội dung của bản án được phổ biến trên Cổng thông tin của TANDTC để người dân có thể tham khảo các nội dung, tính chất của từng vụ án.
Đối với việc giao xe cho người dưới 18 tuổi, theo đồng chí Tiến, việc giao xe cho người dưới 18 tuổi xảy ra vi phạm giao thông chủ yếu trong các vụ án đều là bố mẹ giao xe cho con. Có nhiều lý do các phụ huynh giao xe cho con, nhưng thực tế đã có nhiều vụ án đau lòng xảy ra, và hình phạt cho những hành vi này là rất thích đáng.
Việc tuyên truyền thông qua các phiên tòa giả định, tại các trường học đối với vấn đề này là rất quan trọng để giúp các em nhận biết và chấp hành các quy định về pháp luật giao thông. "Nếu các em điều khiển giao thông không có bằng lái sẽ là tình tiết tăng nặng trong trách nhiệm hình sự, vì vậy các phụ huynh cần lưu ý và tuyệt đối không giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi lái xe theo quy định", đồng chí Tiến nói.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, đồng chí Bùi Văn Nam, Phó Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh cho hay, trong những năm qua, các vụ án vi phạm quy định về trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh được xét xử kịp thời. Việc sử dụng phương tiện giao thông gây tai nạn nghiêm trọng đều bị xử lý nghiêm.
TAND tỉnh Hà Tĩnh đã có 2 vụ án được lựa chọn án lệ. Trong đó có án lệ liên quan đến việc người điều khiển vi phạm giao thông khi bị lực lượng CSGT dừng xe nhưng không chấp hành mà tông thẳng vào cán bộ CSGT. Vụ án này đã được xét xử nghiêm minh và đưa vào án lệ. Việc áp dụng án lệ có ý nghĩa giáo dục pháp luật rất lớn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, răn đe phòng ngừa chung.
Đồng chí Nam đề xuất cần đưa án lệ vào trong chương trình hoạt động của Hội đồng Phổ biến giáo dục quốc gia và một số chương trình giảng dạy của Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT trong mọi tầng lớp nhân dân.
Nhấn mạnh kết luận Hội thảo, Thẩm phán TANDTC Ngô Tiến Hùng khẳng định, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam là một trong ba nước ở Đông Nam Á giảm sâu về TNGT cả về số vụ, số người chết, số người bị thương với giai đoạn trước.
Để kéo giảm TNGT một cách bền vững và hạn chế cơ bản ùn tắc giao thông, hướng tới hệ thống giao thông vận tải an toàn, thuận tiện và thân thiện với môi trường, đồng chí Hùng cho rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống TAND cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan, công tác bảo đảm trật tự ATGT sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo dựng môi trường văn minh, an toàn.
Trước đó, ngày 9/12, TANDTC và Ủy ban ATGT Quốc gia cùng một số đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Chương trình Tìm hiểu pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT từ bộ tài liệu “Mô hình phiên tòa giả định”.
Đồng chí Khuất Việt Hùng khẳng định: “Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử sẽ góp phần hoàn thiện việc đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương khi thực hiện công tác này”.