Cựu Chủ tịch Saigon Co.op: Giảm lợi nhuận xuống 0% để thu hồi vốn nhanh
Chiều 28/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử đối với bị cáo Diệp Dũng (SN 1968, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op)) và các đồng phạm về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ".
Bắt đầu phần xét hỏi, bị cáo Diệp Dũng xác nhận bản cáo trạng đúng. Bị cáo Dũng khai, UBND TP.HCM cho phép Saigon Co.op tự chủ theo đúng quy định pháp luật, cho phép huy động vốn, bước đầu huy động 3.000 tỷ đồng. Nếu thương vụ Big C không thành công thì các nhà đầu tư có quyền rút tiền trong thời hạn 3 ngày, còn nếu các nhà đầu tư muốn đồng hành với Saigon Co.op thì kết nạp họ làm thành viên, góp vốn để mở rộng mạng lưới sản xuất.
“Với góc độ pháp lý, chủ sỡ hữu là các nhà đầu tư, thực tế khi thương vụ Big C không thành, không nhà đầu tư nào rút vốn hết” - bị cáo Dũng phân trần.
Sau đó, chủ tọa hỏi bị cáo về nguyên nhân sai phạm: “Căn cứ nào bị cáo rút 1.000 tỷ đồng từ 3.000 tỷ đồng để hợp tác”. Bị cáo Dũng đáp: “Trong lúc chờ kết nạp các nhà đầu tư làm thành viên của Saigon Co.op, bị cáo thấy tiền để vậy lãng phí quá, hợp tác như vậy đem lại lợi nhuận cho Saigon Co.op, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội”.
Tuy nhiên bị cáo Dũng cũng thừa nhận mình sai sót khi ký các hợp đồng.
Về lý do gì đưa lợi nhuận từ 7% xuống còn 0%, bị cáo Dũng cho rằng, hợp tác với 2 công ty là do nóng ruột muốn thu hồi vốn nhanh, không lấy lãi họ sẽ trả tiền vốn cho Saigon Co.op nhanh hơn.
“Thời gian ký hợp đồng thì trong vòng 3 tháng Saigon Co.op thu về 1 tỷ đồng, vì nóng ruột muốn thu về vốn nhanh nên mới giảm” - bị cáo Dũng phân trần.
Mặt khác, bị cáo Dũng khai, chưa thu được đồng nào của đối tác mà bên Saigon Co. op còn phải nộp thuế 29 tỷ đồng.
Chủ tọa chất vấn về hai quyết định mấu chốt của Dũng khiến Saigon Co. op thiệt hại: “Bị cáo cho HĐXX biết căn cứ nào bị cáo ra hai quyết định, một là chuyển 1.000 tỷ đồng để hợp tác và hai là giảm lợi nhuận từ 7% xuống 0%, từ đó làm Saigon Co.op mất lợi nhuận 1 tỷ đồng và bị truy thu thuế”.
Bị cáo Dũng khai: “Do sợ rủi ro, vì nghe hai đối tác sử dụng vốn mình không hiệu quả nên bị cáo sợ mất vốn. Xin HĐXX xem xét bối cảnh bị cáo thực hiện hành vi phạm tội”.
Ngoài ra, bị cáo Dũng xác nhận có vận động gia đình khắc phục hậu quả và gia đình bị cáo đã khắc phục một phần.
Theo cáo trạng, đầu năm 2016, Saigon Co.op có công văn xin thường trực UBND TP.HCM chủ trương mua lại chuỗi siêu thị Big C.
Sau khi được thành phố chấp thuận chủ trương, Diệp Dũng đã ký công văn gửi nhà đầu tư thông báo huy động 10.000 tỷ đồng vốn để mua lại chuỗi Big C. Trong đó, đợt đầu sẽ huy động 3.000 tỷ nộp vào tài khoản mở tại ngân hàng để đặt cọc cho thương vụ mua Big C.
Sau đó, tài khoản huy động vốn này đã ghi nhận 3.000 tỷ đồng của nhà đầu tư thông qua 60 giao dịch của hàng chục công ty và cá nhân. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2016, Saigon Co.op đấu giá mua Big C bất thành và nhà đầu tư không rút tiền.
Tuy nhiên, Dũng với vai trò Chủ tịch HÐQT, đã không thông qua HĐQT Saigon Co.op, ngày 19/8/2016, tự ý ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đại Á với số tiền 300 tỷ đồng, và Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Đô Thị Mới 700 tỷ đồng, đồng thời ký ủy nhiệm chi chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng trong số 3.000 tỷ đồng của Saigon Co.op huy động để thực hiện thương vụ Big C và mở rộng mạng lưới Saigon Co.op (là tài sản của Saigon Co.op), cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới.
Theo hợp đồng hợp tác đầu tư, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định là 7%/năm, thời hạn 3 tháng và được thanh toán gốc, lãi một lần vào cuối kỳ hợp tác, hợp đồng được gia hạn thời gian hợp tác theo 4 Phụ lục hợp đồng giữa Diệp Dũng với Tôn Thất Hào, Giám đốc Công ty Đại Á và Võ Thành Trung, Tổng Giám dốc Công ty Đô Thị Mới.
Thế nhưng, đến ngày /3/2018, Diệp Dũng tiếp tục không thông qua HĐQT Saigon Co.op tự ký thỏa thuận bổ sung, điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm để làm lợi cho Công ty Đại Á và Công ty Đô Thị Mới trong việc không phải thanh toán khoản lợi nhuận cố định 7% (kể cả phần lãi từ việc cho vay và gửi tiết kiệm của hai công ty này).