Chính trị

Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang

Minh Triết 02/01/20 - 07:

Tối 1/1, tỉnh Hậu Giang đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (1/1/2004 - 1/1/20). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dự.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, tỉnh Hậu Giang nằm ở trung tâm của tiểu vùng Tây Sông Hậu và bán đảo Cà Mau, là đơn vị hành chính được thành lập muộn nhất Đồng bằng sông Cửu Long.

20 năm kể từ ngày thành lập, Hậu Giang đã tạo được bước phát triển ấn tượng trên nhiều lĩnh vực. Tăng trưởng GRDP năm sau luôn cao hơn năm trước, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, diện mạo từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc, an sinh xã hội được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

chu-tich-nuoc.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chúc mừng tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng sau 20 năm thành lập tỉnh.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch nước lưu ý, tỉnh Hậu Giang đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là, kinh tế tăng trưởng cao nhưng quy mô kinh tế nhỏ; tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm mạnh nhưng vẫn còn cao so với một số địa phương trong vùng và cả nước. Là một tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang cũng chịu nhiều thách thức của biến đổi khí hậu.

“Để đưa tỉnh Hậu Giang phát triển thành tỉnh khá tôi xin gợi ý tỉnh Hậu Giang một số nội dung để tham khảo như sau:

Hậu Giang, có lợi thế giáp ranh với TP. Cần Thơ, có điều kiện liên kết chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp giá trị cao, giảm phát thải; tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống người dân nông thôn.

Thực hiện có hiệu quả quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ cân bằng sinh thái tự nhiên để Hậu Giang luôn xanh, sạch đẹp, văn minh.

Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chú trọng đầu tư hạ tầng vùng sâu, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chủ động phòng ngừa các vấn đề xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn, an ninh kinh tế, an ninh chính trị; đảm bảo sự bình yên cho người dân…”, Chủ tịch nước lưu ý.

chu-tich-hg.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, quy mô kinh tế của tỉnh tăng gấp 10 lần so với lúc mới thành lập tỉnh.

Phát biểu ôn lại chặng đường 20 năm thành lập, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, ngày 26/11/2003, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, theo đó, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở chia tách tỉnh Cần Thơ để thành lập tỉnh Hậu Giang và TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Tỉnh Hậu Giang chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Tỉnh Hậu Giang được thành lập là dấu mốc quan trọng mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử hình thành và phát triển.

20 năm qua, với sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang đã chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

ky-niem.jpg
Hậu Giang từ tỉnh nghèo đã có sự vươn lên mạnh mẽ.

Quy mô kinh tế Hậu Giang tăng hơn 10 lần so với năm 2004. Thu nội địa tăng bình quân 1.000 tỷ đồng/năm với mức thu năm 2022 đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng 1.120 tỷ đồng so với năm 2021.

Hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Hậu Giang phát triển khá nhanh về số lượng, chất lượng, cũng như diện mạo của 8 huyện, thị, thành phố có nhiều thay đổi, khởi sắc và khang trang hơn.

Năm 2023, Hậu Giang rất phấn khởi, khi đang nổi lên như là điểm sáng” trong bức tranh kinh tế của cả nước, luôn tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung, cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tiếp tục duy trì ở mức cao đạt 12,27%, tăng 2 bậc so với cùng kỳ, tiếp tục dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và xếp thứ 2 cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 80,33 triệu đồng, tăng 21,34% so với cùng kỳ.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư; 40/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

tang-huy-chuong.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang

Về công tác an sinh xã hội, tỉnh đã kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến đời sống người dân, tổ chức vận động xây dựng 1.400 căn nhà “Đại đoàn kết” cho người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Minh Triết