Xã hội

TP.HCM có đến 30.000 vị trí công việc cần tuyển lao động dịp Tết

Kim Sáng 04/01/20 - 17:16

Dịp Tết Giáp Thìn 20, TP.HCM có khoảng 25.000 - 29.000 vị trí công việc cần tuyển lao động (khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 69,58%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 30,10%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,32%).

Chiều 4/1, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội TP.HCM, bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM đã thông tin về tình hình lao động trên địa bàn thành phố.

Bà Huỳnh Lê Như Trang cho biết, trong những tháng cuối năm 2023, tình hình kinh tế cả nước cũng như thành phố có nhiều khởi sắc, điều này tác động tích cực đến thị trường lao động, các doanh nghiệp bắt đầu có đặt đơn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tháng cuối năm và chuẩn bị đón năm mới.

Theo bà Trang, mặc dù kinh tế còn khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết là nhu cầu thiết yếu, đây là dịp các doanh nghiệp quan tâm và chú trọng triển khai các chương trình thu hút khách hàng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.

p1930083.jpg
TP.HCM có gần 30.000 vị trí công việc cần tuyển lao động dịp Tết.

"Dự kiến có khoảng 25.000 - 29.000 vị trí công việc có nhu cầu tuyển lao động phục vụ dịp Tết", bà Trang cho biết.

Theo đó, nhu cầu nhân lực trước Tết Nguyên đán tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại - dịch vụ (69,58%); khu vực công nghiệp - xây dựng (30,10%); khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (0,32%).

Nhu cầu tuyển dụng tập trung trong các ngành như dệt may - giày da; dịch vụ lưu trú và ăn uống; bán buôn và bán lẻ; du lịch; dịch vụ giải trí; chăm sóc sức khỏe; dịch vụ cá nhân, bảo vệ... và tăng ở lao động thời vụ, bán thời gian với nhiều vị trí như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng, nhân viên đóng gói, nhân viên phục vụ…

Sau Tết Nguyên đán, dự kiến nhu cầu nhân lực cần từ 48.971 - 57.471 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành, lĩnh vực như dệt may - da giày; dịch vụ lưu trú và ăn uống; chế biến thực phẩm; nhựa - cao su.

Riêng nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 70,56%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 28,66% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,78%.

Về tình hình trả lương, thưởng cho người lao động dịp Tết.

Qua tổng hợp thông tin tại 1.289 phiếu khảo sát của doanh nghiệp về kế hoạch thưởng Tết năm 20, mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử - công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm; phát triển phần mềm; thương mại… các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.

Tiền thưởng Tết Dương lịch năm 20 bình quân khoảng 4,7 triệu đồng/người, cao hơn so với kết quả khảo sát của năm 2023 (3,2 triệu đồng/người).

Tiền thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 20 bình quân khoảng 12,3 triệu đồng/người, gần tương đương so với Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (12,8 triệu đồng/người).

Có 599 doanh nghiệp (chiếm 46,47%), ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, các doanh nghiệp có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho người lao động như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, tổ chức xe đưa đón về quê ăn tết, tổ chức tất niên và thăm hỏi người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, tổ chức đón Tết cho người lao động chưa có điều kiện về quê trong dịp này.

Thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 20 trung bình từ 8 đến 9 ngày, nhiều doanh nghiệp kết hợp giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về quê thăm gia đình.

Kim Sáng