Ngày xuân nói chuyện cây đào
Người trồng đào tại Nhật Tân bao năm vẫn luôn bền bỉ, chăm chút từng cây đào để phục vụ người dân cả nước mỗi độ tết đến xuân về.
Nghề trồng đào đã gắn bó với bao thế hệ người dân nơi đây. Nhưng để đào Nhật Tân nức tiếng khắp nơi, người trồng đào cũng trải qua không ít sự gian nan, vất vả.
Xuân sang, tích cũ, cảnh nay
Nhật Tân là một phường và đồng thời cũng là tên một làng thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Nơi đây nổi tiếng là làng trồng hoa đẹp, đặc biệt nghề trồng đào cảnh truyền thống nức tiếng kinh kỳ xưa.
Mặc dù hiện nay theo xu thế mới, người dân trong làng đã trồng thêm khá nhiều loại hoa đa dạng, phục vụ nhu cầu của người dân, song các giống đào được trồng tại làng Nhật Tân vẫn luôn thu hút người chơi như: đào bông tự, đào ta, đào thế, đào bích…
Trong kho tàng cổ tích Việt Nam có chuyện kể về sự tích hoa đào và lý do người dân thường chơi hoa đào vào dịp Tết Nguyên đán.
Chuyện kể rằng, ngày xưa ở vùng núi phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây đào mọc từ lâu đời. Cành lá đào to lớn khác thường, bóng cây che phủ cả một vùng rộng.
Có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Các vị diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của hai vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy.
Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu ma được dịp hoành hành, tác oai tác quái.
Để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Từ đó, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều cố gắng đi bẻ cành hoa đào về cắm trong nhà để trừ ma quỷ.
Ngày nay, cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến xuân về nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ xưa. Vẻ đẹp của nó đã mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới tốt đẹp.
Đặc biệt làng Nhật Tân còn nổi tiếng với một truyền thuyết đẹp, sau khi tiêu diệt mấy chục vạn quân xâm lược nhà Thanh ở Thăng Long ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung đã sai lính phi ngựa thần tốc ngày đêm mang cành đào Nhật Tân vào Phú Xuân để tặng Công chúa Ngọc Hân, thay thiệp báo tin mừng chiến thắng và cành hoa đào tươi thắm cũng là lời nhắn gửi tình cảm tới người vợ yêu.
Làng cổ Nhật Tân không chỉ gắn liền với những câu chuyện lịch sử về hoa đào mà còn nhiều tích truyện thú vị khác được lưu truyền trong dân gian.
Xa xưa của nghề trồng đào có 1 truyền thuyết kể lại là khi Cao Biền đi sang An Nam, đóng quân trên vùng Phú thượng bây giờ thì không biết làm thế nào để tính được từng năm vì họ cũng muốn trở về đất nước họ, họ mới lên vùng Hoàng Liên Sơn lấy cây đào về trồng, để mỗi lần hoa đào nở là họ biết được đã 1 năm trôi qua. Sau này, An nam đô hộ phủ không còn, thành Đại La tan nát, khi nhà Lý rời Hoa Lư ra đóng đô xây thành trên nền Đại La cũ thì vùng Nhật Tân cũ trên thành cổ này vẫn lưu giữ được nghề trồng đào.
Nhưng ngày xưa người Nhật Tân chỉ trồng 1 giống đào là đào phai, có nguồn gốc từ đào rừng, có màu nhạt. Còn đào bích ở Nhật Tân lại có 1 câu chuyện khác. Chắc chắn, cuối thế kỷ 19 vẫn chưa có đào bích. Đầu thế kỷ 20, có 1 vị khách đi qua chùa Nhật Tân thắp hương và có để lại 1 cành hoa, Các nhà sư rất ngạc nhiên và mang ra ươm lại cành đào bích đó, rất may là cây lại sống, từ đó lan ra trồng khắp làng Nhật Tân.
Làng Nhật Tân khi xưa có cả đồng và bãi, trong đó bãi bồi là chủ yếu. Những việc của người trồng đào Nhật Tân như sửa tán, sửa vòm cho cây được tròn đều đẹp, đặc biệt là việc hãm đào cho hoa bung nở vào đúng dịp tết nguyên đán trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường mỗi năm mỗi khác...đều đạt đến trình độ điêu luyện không nơi nào sánh được. Nhờ thế mà những gia đình Hà Thành dịp tết nguyên đán lại có những cành đào hoa nở đỏ thắm chơi tết.
Đào Nhật Tân trong nhiều thế kỷ liền luôn là 1 thứ được lựa chọn trong thú chơi hoa của người Thăng Long. Đào có màu hồng và màu đỏ, màu của lộc, của máu, của sự tái sinh, phát triển nên ngày tết, những nhà ở Thăng Long thường cắm 1 cành đào với niềm tin năm mới sẽ phát tài phát lộc
Nghề nhìn thời tiết mà “vui buồn”
Hoa đào được trồng ở rất nhiều nơi, nhiều tỉnh thành của miền Bắc, nhưng riêng đào Nhật Tân (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) mang một vẻ đẹp, độc đáo khó ở đâu sánh được.
Chẳng thế mà dù người miền Bắc hay miền Nam, nhắc đến cây đào ở đâu đẹp nhất, đặc biệt nhất họ cũng không ngần ngại nhắc đến đào Nhật Tân. Đào Nhật Tân có nhiều loại như: đào bích, đào phai, đào 5 cánh,… mỗi loại đều mang một vẻ đẹp riêng. Hoa đào tại đây còn nổi tiếng bởi có nhiều thế, dáng độc, lạ và rất đẹp.
Về vườn đào Nhật Tân, người ta dường như cảm nhận rõ rệt được không khí tết đã đến rất gần. Dưới ánh nắng nhè nhẹ pha chút gió lạnh mùa đông, người dân nơi đây đang tất bật làm công việc chăm sóc cây đào.
Những cây đào giờ đã ở giai đoạn tuốt lá, vun nụ để sẵn sàng chờ tết đến, xuân sang mang đào phục vụ thị trường. Những nụ đào đầu tiên đã chớm nở tại những vườn đào đẹp nhất nhì cả nước, khoe sắc mang không khí của tết, xuân tràn về.
Thời điểm này thì cơ bản những cây đào thế đã hoàn thành giai đoạn tuốt lá, chuyển sang giai đoạn vun đất hoặc đánh cây vào chậu. Còn đối với những loại đào tròn - mới đang là giai đoạn tuốt lá và làm cỏ.
Ông T.V.T., năm nay ngoài 60 tuổi, làm nghề trồng đào đã hơn 30 năm cho biết, làm đào phải vất vả chăm sóc quanh năm, từ những ngày đầu ươm cây, rồi chăm sóc, tạo thế, ghép gốc,…
Đào Nhật Tân đa dạng, phong phú các chủng loại từ đào thế bonsai đến đào cây to phục vụ cơ quan, công sở, đào nhỏ cho gia đình, đào gốc, đào tự nhiên, đào vọt (đào uốn cong các kiểu, các dạng).
Những cây nhỏ thì dễ, nhưng đào thế mấy năm nay, các hộ dân đều tiến hành cấy ghép những thân cây đào rừng cao tới 2 – 3m, thân to tròn rất khó di chuyển, nhưng phục vụ theo nhu cầu thị trường nên một vài năm trở lại đây đều áp dụng phương pháp này.
Người ta thường phân chia thành 3 loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành. Trong đó, đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, nguyên gốc không lai tạo, vì vậy người trồng dễ dàng định ngày nở được bông hoa; đào tán thông có hình tháp thích hợp để ở những công ty lớn và những ngôi nhà có diện tích rộng.
Đào cổ có hai dòng, một là tạo từ cây nhỏ nguyên bản trồng lớn lên, hai là lai ghép, khai thác gốc đào từ trên rừng về rồi cấy ghép giống đào ở vườn vào, khi các mắt ghép lớn thành cành thì bắt đầu uốn, tạo dáng như mong muốn.Trong khi đó, đào cành thì có dòng đào tán tròn, tán to.
Theo tâm sự của nhiều chủ vườn đào tại đây, nghề này vất vả và bỏ nhiều công sức cả năm ròng rã như vậy, nhưng nghề trồng đào như đánh bạc với thiên nhiên, năm được năm mất chẳng thể quyết định được mà phải dựa vào thời tiết thuận lợi hay không mà quyết định đến năng suất và sinh lời.
Bí quyết tạo thương hiệu
Tại Nhật Tân, tùy vào giống đào mà người trồng có cách chăm bón, bấm tỉa khác nhau giúp cho cây đào phát triển và ra dáng đẹp mắt. Bên cạnh đó, với vị trí giáp sông Hồng, lại được phù sa bồi đắp thường xuyên nên đất nông nghiệp nơi đây rất màu mỡ, thuận lợi cho sự phát triển của cây đào.
Đặc biệt, điều làm nên sự nổi tiếng của đào Nhật Tân chính là những kinh nghiệm, bí quyết độc đáo mà những người trồng đào tại đây tích luỹ qua bao nhiêu thế hệ để tạo ra những gốc đào tuyệt sắc.
Quy trình chăm sóc đào gồm các công đoạn cầu kỳ từ chế độ nước, phân bón cũng như đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhà vườn như cắt, tỉa và yếu tố thời tiết thuận lợi.
Đất trồng đào phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không để đất còn lại chút chất chua nào; nước tưới cho cây phải là nước sạch, không lẫn hoá chất. Thêm vào đó, yếu tố phân bón cũng rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến sự phát triển khỏe mạnh của cây trồng và tăng khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây đào.
Để cây ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán thì từ giữa tháng 11 âm lịch, người trồng đã phải tiến hành tuốt lá cho cây đào nhằm tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp.
Nếu năm nào thời tiết nóng thì cần tiến hành tuốt lá muộn hơn vài ngày, năm nào thời tiết rét nhiều thì cần tuốt lá sớm hơn vài ngày. Đặc biệt, sau khi tuốt thì người trồng đào lại càng phải chú ý đến chế độ phân bón, nước cho cây.
Những cây đào được trồng ở Nhật Tân thường có bông to, sắc thắm, nhiều cánh dày và đặc biệt rất nhiều nụ lộc. Đặc biệt là giống đào bích được nhiều nhà vườn trồng do dễ tiêu thụ trên thị trường.
Khác với những nơi khác, đào bích được trồng ở làng Nhật Tân thường có bông to, dày cánh, màu thắm hồng như màu xác pháo, khi nở rộ vô cùng bắt mắt, mang đến cảm giác tươi mới.
Điểm đáng chú ý rằng nếu gặp thời tiết gió bấc, mưa phùn, đào bích có thể có tới cánh, nở căng tràn, khoe sắc hồng may mắn.
Ngoài ra, dạng đào phai cũng khá phổ biến, bông cho cánh kép, nở rộ; có giống đào mắt đen, mắt nâu và có thời gian tuốt lá cho hoa nở khác nhau. Còn dạng đào trắng (bạch đào) thì được trồng rải rác ở Nhật Tân do khách không có nhu cầu nhiều và thường được ghép giữa đào bích và đào phai.
Ngay từ đầu tháng 12, thương lái từ các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định… nườm nượp kéo về Nhật Tân để “lấy hàng”, không khí ở các vườn đào vì thế mà cũng trở nên tấp nập.
Không chỉ những thương lái mà người dân Hà Nội cũng đã bắt đầu đi chọn đào, đặt cọc trước cây mình yêu thích. Anh V.T.D., quận Thanh Xuân cho biết: “Đào Nhật Tân chính là đặc trưng Tết của người Hà Nội. Thấy đào Nhật Tân chính là thấy Tết, đã là người Hà Nội thì trong nhà phải có một cành đào Nhật Tân dịp Tết đến xuân về. Năm nào, tôi cũng phải đi lựa đào từ sớm, cứ đến tận vườn xem cây nào ưng mắt nhất, đặt chủ vườn chăm sóc rồi gần Tết mới đánh về nhà”.
Ông H., người có thâm niên trong nghề trồng đào Nhật Tân cho biết: Thời điểm này như mọi năm, người trồng đào Nhật Tân đã hoàn thành xong công đoạn “đánh” (đảo đào gốc) và "thiến" đào (khoanh gốc đào) và dần hoàn thiện công đoạn “vặt” (tuốt lá).
Tuy nhiên do năm nay rét muộn, nhiệt độ ấm hơn những năm trước nên công đoạn “đánh” và “vặt” lá được làm muộn hơn.
Năm nay, mọi công đoạn chăm sóc làm muộn hơn do thời tiết ấm. Nếu vẫn áp dụng thời gian giống năm trước, hoa đào sẽ nở sớm, không đúng vụ Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, việc đào Nhật Tân có nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán hay không phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Người trồng phải theo dõi thời tiết, xác định tuổi đào, loại đào để quyết định thời gian thực hiện mỗi công đoạn.
Theo kinh nghiệm dân gian của những người trồng đào, có hai biện pháp để ức chế cây đào Nhật Tân phát triển và tạo sự phân hóa mầm hoa là “thiến” (khoanh vỏ) và “đánh” cây (đảo đào gốc). Trong đó, biện pháp “thiến” trước đây được bà con sử dụng rộng rãi hơn, còn bây giờ biện pháp sử dụng thuốc “hãm” và “đánh” cây được bà con sử dụng nhiều hơn.
Sau khi khoanh vỏ khoảng 30 ngày cây xuất hiện mầm nụ ở nách lá, mầm nụ to dần, tuy nhiên nếu không vặt lá mà để tự nhiên thì hoa sẽ nở muộn và không tập trung. Chính vì vậy bên cạnh việc “thiến” và “đánh” cây, biện pháp “vặt” lá cũng rất quan trọng.
Thông thường, đào Nhật Tân được “vặt” - tuốt lá trước thời điểm Tết Nguyên đán khoảng 50 - 60 ngày. Cũng tùy từng giống đào mà thời gian tuốt lá cũng khác nhau.
Ví dụ: Đào phai, đào bích gốc thường 50 ngày, đào hạt thường tuốt lá trước Tết khoảng 60 ngày, thậm chí có những giống đào phải tuốt trước Tết 90 ngày. Đây là khâu rất quan trọng để chuẩn bị cho công đoạn nuôi mắt, ra nụ đào sẵn sàng cho Tết Nguyên đán. Tuy nhiên việc tuốt lá cũng phải phụ thuộc vào thời tiết, trời rét tuốt lá sớm, còn trời ấm tuốt lá muộn hơn.
Theo đánh giá của nhiều chủ vườn, đào Tết năm nay đang sinh trưởng và phát triển tốt. Đào được dự báo đẹp hơn năm ngoái.
Nhìn sự đổi thay, vươn mình của Nhật Tân hôm nay có thể thấy sức sống của làng hoa đào Nhật Tân sẽ còn vươn xa hơn trong tương lai. Đi cùng với năm tháng, bánh chưng, mứt, đào Nhật Tân đã trở thành những giá trị văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng.
Một số hình ảnh khác tại vườn đào Nhật Tân theo ghi nhận của PV Báo Công lý: