Văn hóa - Du lịch

Hành trình hồi sinh làng đũi Nam Cao hơn 400 tuổi

Minh Anh 07/01/20 - 06:51

Đã từng có thời điểm làng đũi Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình) gần như đi vào bế tắc khi không tìm được hướng đi. Nhưng những nghệ nhân lành nghề với kinh nghiệm nhiều năm nơi đây vẫn nuôi hy vọng, quyết tâm bám trụ để nghề làm đũi lụa không mai một. Vượt qua nhiều khó khăn, cuộc hồi sinh mạnh mẽ đã diễn ra và sản phẩm lụa đũi Nam Cao đã vượt ra khỏi danh giới Việt Nam.

Đũi Nam Cao "thật" và "chất"

Theo các cụ cao niên trong xã, nghề dệt đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được hình thành từ gần 400 năm trước đây. Trước kia, đũi Nam Cao nổi tiếng khắp cả nước nhờ sự độc đáo. Đó là những sản phẩm được làm thủ công với rất nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu tới khi thành thành phẩm đòi hỏi sự công phu, cần mẫn, tỉ mỉ, trau chuốt từng chút một của người nghệ nhân.

30c85ea8f1df0461d207cf230d898f9c.jpg
Vải sau khi nhuộm sẽ được mang đi phơi dưới ánh sáng tự nhiên của mặt trời.

Đũi Nam Cao chủ yếu chỉ có màu trắng ngà hoặc nhuộm màu nâu đất. Đây được đánh giá là một trong nhược điểm của đũi Nam Cao. Khiến sản phẩm khó cạnh tranh với hàng may mặc của Trung Quốc, Thái Lan trong thời đại kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng ưa chuộng những sản phẩm sạch, có nguồn gốc thiên nhiên thì đây lại là nét đặc trưng riêng của đũi Nam Cao. Vì lẽ đó, ban lãnh đạo HTX dệt đũi Nam Cao đưa ra chiến lược phát triển chinh phục khách hàng bằng những giá trị “chất” và “thật”. Từ đó, HTX đã hình thành được chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu - sản xuất – tiêu thụ - xuất khẩu với 16 công đoạn.

1bb8b5e969a77f9b58192d5b2f31362f.jpg
Làng nghề dệt đũi Nam Cao đang trên đà hồi sinh và phát triển.

HTX có vùng nuôi tằm với tổng diện tích khoảng 100 ha tại huyện Vũ Thư (Thái Bình). Nguyên liệu kén được thu mua, sau đó giao về cho các hộ gia công sản xuất các khâu từ kéo đũi, quay tơ, đánh ống và dệt vải dưới sự hỗ trợ và tổ chức của HTX dệt đũi Nam Cao.

Những cuốn vải thô mộc sẽ được đưa lên Hà Nội để gia công tinh xảo thành áo dài, khăn tay, quần áo, phụ kiện, nội thất chăn, ga gối… Và xa hơn, đũi Nam Cao tiếp tục đi máy bay lên đường đi Tây. Chuỗi giá trị khép kín được HTX quản lý chặt chẽ và minh bạch nguồn gốc sản phẩm.

Bên cạnh đó, 100% sản phẩm lụa, đũi đều được dệt thủ công, nhuộm bằng những màu thiên nhiên đạt chuẩn hữu cơ như màu đỏ của gấc, màu tím của nếp cẩm, màu xanh của lá cây, màu vàng nguyên bản từ kén tằm, màu nâu từ lá bàng…

Những hoạt động trên không chỉ tạo ra nét riêng biệt cho sản phẩm trong thời đại sản xuất đại trà. Bên cạnh đó, du lịch trải nghiệm công đoạn sản xuất đũi Nam Cao cũng ngày càng phát triển.

det-dui-nam-cao-kien-xuong-thai-binh9.jpg
Trình diễn lụa Nam Cao trong chương trình Tuần lễ Hàng Việt Nam tại Bangkok, Thái Lan, tháng 12-2022. Ảnh: Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Với tư duy mới, con người mới, HTX dệt đũi Nam Cao đã từng bước khôi phục làng nghề, đưa lụa đũi Nam Cao trở lại thời hoàng kim. Với doanh số trung bình 40 tỷ mỗi năm, HTX giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng.

Bước đi dài trong phát triển du lịch

Làng nghề dệt đũi Nam Cao đã chuyển mình. Và nay, những tấm lụa không chỉ dừng lại ở lũy tre làng mà sẽ còn tiếp tục với những chuyến hành trình xa hơn. Hiện nay, 80% sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á, còn lại 20% bán tại thị trường trong nước.

nam-cao2.jpg
Bà Vandara Siphandone (hàng đầu, thứ ba từ phải sang), Phu nhân Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone và bà Lê Thị Bích Trân, Phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính, trải nghiệm quay tơ ở làng nghề Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Mới đây, làng nghề dệt đũi ở xã Nam Cao, huyện Kiến Xương đã được bà Vandara Siphandone, Phu nhân Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, và bà Lê Thị Bích Trân, Phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính tới để trải nghiệm. Một hoạt động mang nhiều ý nghĩa cho làng nghề 400 tuổi.

Hai phu nhân thăm ngôi nhà cổ trên 100 tuổi đặc trưng của Bắc Bộ, nghe hát chèo, thưởng thức trà xanh và đặc sản bánh cáy Thái Bình. Hai phu nhân cũng thăm Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao, xem nghệ nhân kéo sợi quay tơ và trực tiếp trải nghiệm quay tơ, đánh ống kéo đũi.

Hiện nay, đối với khách quốc tế, HTX dệt đũi Nam Cao đón các đoàn khách chủ yếu đến từ Mỹ, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc... với các tour diễn ra trong ngày.

Người dân làng nghề mong mỏi, khi khu sản xuất tập trung và tham quan trải nghiệm được hoàn thiện sẽ không chỉ là điểm đến lý tưởng đối với du khách trong nước và quốc tế mà còn góp phần tăng thêm trải nghiệm, giúp du khách lưu trú tại Thái Bình lâu hơn, hình thành các tour du lịch kết nối giữa làng nghề dệt đũi Nam Cao với đa dạng điểm đến về văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.

nam-cao.jpg
Phu nhân Việt Nam và Lào nghe giới thiệu về công đoạn dệt đũi ở làng nghề Thái Bình. Ảnh: TTXVN

Các cán bộ tại HTX cũng từng đưa nhiều đoàn khách du lịch về “mục sở thị” mô hình trồng dâu, nuôi tằm, dệt đũi. Nhiều người cho rằng với trải nghiệm thực tế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và thương hiệu đũi Nam Cao sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

HTX dệt đũi Nam Cao đã phối hợp với các nhà thiết kế sáng tạo các bộ sưu tập thời trang, đưa chất liệu lụa, đũi xuất hiện thường xuyên trên sàn diễn trong và ngoài nước. Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao đã từng bước phục tráng, đưa nghề dệt lụa đũi Nam Cao trở lại thời hoàng kim.

Minh Anh