Chính trị

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Duy Tuấn 08/01/20 - 21:35

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 8/1, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Trao quyền chủ động cho các địa phương

Trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thứ trưởng Bố Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, qua đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2021 - 2023, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp do cơ chế giao chi thường xuyên ngân sách trung ương cho các địa phương chi tiết đến dự án thành phần, lĩnh vực chi nhưng không có cơ chế cho các địa phương được thực hiện điều chỉnh, dự toán kế hoạch (đặc biệt là điều chỉnh vốn được kéo dài).

mtqg-tc.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này của các địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, để đảm bảo các cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc xác định bảo đảm tổng nguồn là căn cứ quan trọng để các địa phương có sơ sở thực hiện.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ bổ sung, viết rõ hơn: “căn cứ vào tình hình thực tiễn địa phương được phép điều chỉnh, phân bổ lại dự toán, kế hoạch vốn từ năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang năm 20, mà không nhất thiết căn cứ vào kế hoạch, danh mục dự án đã được duyệt trước đây”.

Để tránh tùy tiện trong phân bổ lại ở các địa phương, cần bổ sung quy định nguyên tắc tỷ lệ phân bổ nhất định dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng, các hoạt động phát triển sản xuất và an sinh xã hội khác (ví dụ tỷ lệ 50%/50%). Quy định này sẽ kiểm soát bảo đảm CTMTQG đi đúng nguyên tắc, công bằng giữa các địa phương..

thanh-ha.jpeg
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm trình bày Báo cáo thẩm tra.

Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Hội đồng Dân tộc thống nhất với dự thảo và một số ý kiến tham gia thẩm tra là giao Ủy ban nhân dân tỉnh: Quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất đối với các địa phương chưa có nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về vấn đề này; Điều chỉnh trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về vấn đề này và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

“Việc ban hành chính sách này sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc ban hành và điều chỉnh trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ…”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nói.

Tháo gỡ khó khăn trước mắt và cả lâu dài

Liên quan đến việc giao cho chủ dự án mua sắm, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Lê Quang Mạnh, quy định về đấu thầu hiện nay, đang vướng mắc ở việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia “và cần phải làm rõ các trường hợp để giải quyết các vướng mắc này”.

Ông Mạnh đề nghị bổ sung trường hợp tự quyết định mua sắm với các gói thầu dưới 50 triệu. “Đặc biệt là các gói thầu thuộc chương trình mục tiêu quốc gia mà nhà nước và nhân dân cùng làm thì trong Luật Đấu thầu phải quy định rõ cộng đồng dân cư, tổ, nhóm thợ theo quy định”.

ctqh-mtqg.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Nghị quyết cần tập trung vào những vấn đề để tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, không nên có thêm các thủ tục để làm chậm tiến độ.

Đồng tình với các ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc tháo gỡ cần được thực hiện triệt để, toàn diện, “tới nơi, tới chốn”, để tránh đối mặt với những khó khăn khác. Với những vấn đề chưa rõ, nếu cần có thể đi đến đồng thuận về nguyên tắc để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ và các địa phương chuẩn bị, đưa ra quyết định đúng đắn để tiếp tục tháo gỡ việc thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định sự cần thiết của Nghị quyết và ghi nhận vai trò tích cực của Chính phủ, của các cơ quan có thẩm tra. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không được trái với những chủ trương, đường lối của Đảng; phải phù hợp với Hiến pháp, các thỏa thuận quốc tế..

Đối với việc phân cấp cho cấp huyện, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp phân cấp cho cấp huyện chưa phát huy tác dụng ngay hoặc giúp ích cho quá trình xây dựng nội dung chương trình của thời gian tới “thì sẽ quy định trong Nghị quyết của Quốc hội mà khi phê chuẩn các chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn tới”.

Trường hợp giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa có tác dụng làm một chủ trương chính thức hóa để cho các cơ quan của Chính phủ khi xây dựng chương trình mới thì quy định trong nghị quyết này để có căn cứ triển khai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục làm rõ hơn nữa trong hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Duy Tuấn