Sức Khỏe

Cứu sống 2 mẹ con thai phụ viêm phúc mạc ruột thừa

Thanh Phương 11/01/20 - 16:32

Ngày 11/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, thai phụ mang thai lần 3 ở tuần 35 đa ối nhập viện trong tình trạng đau khắp bụng nhưng không có dấu hiệu chuyển dạ, được chẩn đoán viêm phúc mạc do viêm ruột thừa.

Trong tình thế cấp bách, ê kíp bác sĩ đã quyết định thực hiện ca phẫu thuật “kép” mổ lấy thai kết hợp xử trí viêm phúc mạc ruột thừa kịp thời cứu sống cả mẹ và con.

besosinh.jpg
Bé trai được chào đời an toàn sau ca mổ

Sản phụ Lê Thị P. 39 tuổi (cư trú tại xã Vân An, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá) nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa với triệu chứng đau khắp ổ bụng, đau có xu hướng lan ra sau lưng, có sốt, bụng co cứng, đang mang thai lần 3 ở tuần thứ 35, các cơn đau ngày càng dồn dập nhưng không có dấu hiệu chuyển dạ.

Trước đó 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau bụng và đã nhập viện tại Bệnh viện huyện điều trị sau đó được chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Tiên lượng tính phức tạp của ca bệnh, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa đã mời hội chẩn của các bác sĩ chuyên khoa Ngoại ổ bụng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và chuyển tuyến bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục theo dõi, xử trí.

thaiphu.jpg
Bệnh nhân hồi phục tốt sau ca mổ kép

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, dựa trên kết quả thăm khám trực tiếp và các xét nghiệm hiện có, BSCKII Mai Thế Long – Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp 2 đã nghĩ ngay đến bệnh nhân có thể bị viêm phúc mạc do viêm ruột thừa (một cấp cứu ngoại khoa khẩn cấp).

Tuy nhiên, trường hợp chị P. là ca bệnh khá khó do bệnh nhân có thai lần 3 đa ối, thai còn non tháng nên mục tiêu đặt ra lúc này là vừa phải đảm bảo an toàn cho em bé khi chào đời, vừa phải giải quyết nhanh chóng tình trạng viêm phúc mạc cho sản phụ vì nếu để lâu có thể dẫn đến nhiễm khuẩn mẹ và con, thậm chí có thể gây tử vong.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển về phòng mổ, ê kip phẫu thuật phối hợp giữa 2 bệnh viện gồm: BSCKII. Mai Thế Long – Phó Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp 2, bác sĩ Lê Minh Huy khoa Ngoại tổng hợp 2; BSCKI. Nguyễn Hữu Mạnh, BSCKI. Nguyễn Văn Quế khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đồng – Trưởng phòng Kế hoạch Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá đã hội chẩn và quyết định tiến hành mổ lấy con trước, sau đó xử trí viêm phúc mạc ruột thừa cho bệnh nhân.

Với trình độ chuyên môn cao, sự phối hợp nhịp nhàng cùng kinh nghiệm xử lý các tình huống khó của đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Phụ sản, cuộc đại phẫu “kép” mổ bắt thai kết hợp xử trí viêm phúc mạc ruột thừa kéo dài gần 2 giờ đồng hồ đã thành công.

Hai mẹ con sản phụ vượt qua cơn nguy hiểm, em bé chào đời là một bé trai khỏe mạnh với cân nặng 2700gr. Các bác sĩ khoa Cấp cứu sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Thanh Hoá cũng được huy động sẵn sàng để kịp thời cấp cứu em bé nếu con non tháng hô hấp kém.

Sau phẫu thuật lấy thai, tử cung của bệnh nhân co hồi kém, mặc dù đã dùng thuốc tăng co nhưng không có kết quả, tử cung ra máu nhiều, các bác sĩ quyết định cắt bỏ tử cung bán phần để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân. Phần ruột thừa viêm hoại tử vỡ mủ gây viêm phúc mạc toàn thể đã được xử lý cắt bỏ, lau rửa ổ bụng dẫn lưu. Sau mổ một ngày, cả sản phụ và em bé sức khoẻ hoàn toàn ổn định và có thể sẽ được xuất viện trong 1 vài ngày tới.

BSCKII Mai Thế Long, bác sĩ trực tiếp thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa cho chị P. cho hay: Viêm ruột thừa cấp là một cấp cứu ngoại khoa hay gặp nhất, tỷ lệ mắc trên bệnh nhân có thai là 0,05 – 0,13%. Chẩn đoán viêm ruột thừa trên bệnh nhân có thai thường khó khăn do vị trí của ruột thừa thay đổi theo tuổi thai, các triệu chứng cơ năng thường bị trùng lặp với các triệu chứng khi bệnh nhân có thai. Về mặt chẩn đoán hình ảnh, do mang thai nên các bác sĩ hạn chế chụp film và chỉ dựa vào kết quả siêu âm vòng bụng để chẩn đoán. Nhưng cũng rất khó chẩn đoán bởi vị trí ruột thừa có thể bị che lấp bởi tử cung và thai nhi”.

Viêm ruột thừa ở phụ nữ mang thai do sức đề kháng giảm nên bệnh thường tiến triển nhanh chóng dẫn tới hoại tử ruột thừa gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng nhiễm độc có thể nguy hiểm đến tính mạng của mẹ. Đây là một biến chứng nặng cũng như đe dọa đến vấn đề sinh nở.

Riêng thai nhi, có thể gia tăng nguy cơ sinh non, suy hô hấp, nhiễm trùng… và cũng có nhiều nguy cơ không giữ được thai nhi sau đó.Tuy nhiên, với trường hợp bệnh nhân này, do có sự phối hợp của các chuyên khoa nên đã được chẩn đoán và xử trí kịp thời, mang lại sự an toàn cho cả mẹ và con.

Thanh Phương