Hội đồng bầu cử quốc gia: Cuộc bầu cử diễn ra đúng pháp luật, an ton, tỉ lệ cử tri đi bầu cử cao
Chính trị - Ngày đăng : 20:, 22/05/2016
Tại các địa phương, hầu hết tỷ lệ cử tri đi bầu đã đạt trên 90%. Tỷ lệ cử tri đi bầu của tỉnh Thừa Thiên – Huế đạt 99,93% (trong đó có 675 khu vực bỏ phiếu đạt 100%); tỉnh Hà Giang đạt 99,88%; tỉnh Cao Bằng đạt 99,33% (trong đó có 1.042 khu vực bỏ phiếu đạt 100%); tỉnh Hòa Bình đạt 99,75% (trong đó có 1.602 khu vực bỏ phiếu đạt 100%); tỉnh Hậu Giang đạt 99,54% (trong đó có 718 khu vực bỏ phiếu đạt 100%); tỉnh Lai Châu đạt 99,70% (trong đó có 402 khu vực bỏ phiếu đạt 100%); tỉnh Quảng Ngãi 99,54%; tỉnh Tuyên Quang 99,43%; tỉnh Phú Thọ 99,30%; tỉnh Quảng Trị 99,23%.
Tuy nhiên, tỉnh Nam Định hiện còn 01 khu vực bỏ phiếu có số cử tri do đi làm ăn xa nên tỷ lệ cử tri đi bầu dưới 50%.
Các vận động viên tại trung tâm HLTT Quốc gia 1 Hà Nội, Xuân Phương, Từ Liêm
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia đánh giá sau quá trình chuẩn bị chu đáo của cả hệ thống chính trị, qua thông tin từ các địa phương báo cáo cho thấy, cử tri cả nước đã hăng hái, nghiêm túc thực hiện quyền công dân của mình để lựa chọn đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tính đến thời điểm này có thể thấy, cuộc bầu cử đã diễn ra đúng pháp luật, an toàn, tỉ lệ cử tri đi bầu cử cao và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Trước băn khoăn vì tuy tỷ lệ cử tri đi bầu khá cao, nhưng vẫn còn tình trạng một số cử tri đi bầu theo kiểu cảm tính, không xem xét kỹ ứng cử viên và tìm hiểu chương trình hành động của họ, ông Trần Văn Túy cho biết, qua kiểm tra công tác bầu cử ở địa phương trong ngày 22/5, thực tế đã thể hiện sự tham gia tích cực của đông đảo người dân tham gia bầu cử. Trước ngày bầu cử, tiểu sử tóm tắt của những người ứng cử đã được niêm yết ở các điểm công cộng, nhiều địa phương còn tổ chức mạn đàm, gửi tới tận hộ gia đình để cử tri nghiên cứu trước. Ngoài ra theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, trong khoảng thời gian 20 ngày trước ngày bầu cử, Mặt trận Tổ quốc các cấp đều đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri để những người ứng cử trình bày chương trình hành động, vận động bầu cử.
Theo ông Trần Văn Túy, cả nước có hơn 69 triệu cử tri với nhiều thành phần, nhiều độ tuổi, nhiều trình độ khác nhau thì việc có một số trường hợp cử tri ít quan tâm tới việc bầu cử nếu có, chỉ là những trường hợp cá biệt, còn lại phần lớn cử tri đi bầu với tinh thần trách nhiệm rất cao, nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Nói về việc kiểm soát và khắc phục tình trạng đi bỏ phiếu hộ, ông Trần Văn Túy cho rằng đây là nỗi lo chung của Hội đồng bầu cử quốc gia cũng như Ủy ban bầu cử các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, trong việc bỏ phiếu, Điều 69 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định nguyên tắc: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội, một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân. Việc này đã được tuyên truyền, phổ biến đến từng cử tri từ nhiều ngày trước bầu cử. Ông cho biết đến nay, chưa nhận được thông tin nào về trường hợp bầu hộ, bầu thay. Riêng việc bỏ phiếu hộ, Điều 69 của Luật có quy định: Trường hợp cử tri vì khuyết tật, không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Do đó, có thể thực tế nhìn thấy người nào đó bỏ nhiều phiếu vào hòm phiếu cũng chưa thể khẳng định là người đó bầu hộ, bầu thay, rất có thể chỉ là bỏ phiếu như trường hợp luật định.