Ký sự pháp đình

Tòa cân nhắc “công” và “tội” của các bị cáo vụ Việt Á thế nào?

Mạnh Hùng 13/01/20 - 21:25

Như tin đã đưa, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội vừa tuyên án đối với các bị cáo trong "đại án" Việt Á. Trong đó, có bị cáo lĩnh mức án tổng hợp cao nhất là 29 năm tù, nhưng cũng có bị cáo được Tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự.

Cân nhắc kỹ lưỡng giữa “công” và “tội

Theo nhận định của HĐXX, vụ án xảy ra trong bối cảnh đất nước và thế giới phải đối mặt với đại dịch đặc biệt nguy hiểm, chưa có tiền lệ; toàn bộ hệ thống chính trị phải gồng mình chống từng đợt dịch bùng phát bằng nhiều cách, nhiều biện pháp khác nhau; nhân dân hoang mang, lo sợ.

aafe887a-452c-42e6-8eb0-cac81ff859e3.jpeg
HĐXX tuyên án với các bị cáo

Mặt khác, HĐXX cũng xét thấy hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc men ở từng địa phương chưa có hoặc không đủ để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. “Đó là một trong những nguyên nhân phát sinh hành vi phạm tội của các bị cáo”, HĐXX cho biết.

Bản án sơ thẩm cũng nêu rõ bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, Phan Quốc Việt bị áp dụng tình tiết tăng nặng “lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội”.

Nhiều bị cáo khác như Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký của ông Long), Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH-CN)... nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội nên bị áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên”.

Tuy nhiên, HĐXX cũng ghi nhận Phan Quốc Việt cùng các bị cáo là nhân viên của Việt Á đã có những đóng góp tích cực về công sức, máy móc, thiết bị phục vụ cho việc xét nghiệm, góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại một số tỉnh/thành phố.

Các bị cáo Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN), Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương)… được HĐXX đánh giá là có đóng góp “công lao rất lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên toàn quốc và địa phương”.

75d2bf86-c569-4918-bdde-87dff85780ec.jpeg
Đại diện VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo

Tất cả các bị cáo ở CDC các tỉnh/thành đều là những người đặc biệt tích cực, xông pha chống dịch COVID-19.

HĐXX cho hay trong vụ án này tòa đã cân nhắc kỹ lưỡng giữa “công” và “tội” trước khi đưa ra hình phạt đối với từng bị cáo.

Hầu hết các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả

Về việc khắc phục thiệt hại và nộp lại số tiền hưởng lợi bất chính trong vụ án, HĐXX cho biết hầu hết các bị cáo và gia đình đã nộp lại tiền, tài sản để khắc phục hậu quả, thiệt hại. Đây cũng là một tình tiết để Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế) đã nộp lại toàn bộ số tiền nhận từ Phan Quốc Việt là 2,25 triệu USD và nộp thêm 100 triệu đồng.

Bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật thuộc Bộ KH-CN) đã nộp 8 tỷ đồng và 8 sổ tiết kiệm. Ông Hùng bị cáo buộc nhận hối lộ 350.000 USD từ Phan Quốc Việt.

Bị cáo Phan Quốc Việt đã nộp 100.000 USD và 200 triệu đồng.

Bị cáo Chu Ngọc Anh đã nộp 4,6 tỷ đồng. Cựu Bộ trưởng KH-CN bị cáo buộc đã nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD nhưng không có hành vi trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt về việc đưa, nhận tiền, không gây khó khăn nhằm mục đích để Phan Quốc Việt phải đưa tiền.

43b3900f-89-44f5-a38b-19596ed70b87.jpeg
Các bị cáo đứng nghe HĐXX tuyên án

Bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) đã nộp lại 4,7 tỷ đồng. Ông Trịnh bị cáo buộc nhận từ Phan Quốc Việt 200.000 USD.

Ngoài ra, theo HĐXX, các bị cáo Phan Quốc Việt, Phan Huy Văn, Phan Khánh Vân, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Thị Thúy... và một số bị cáo khác đều đề nghị được sử dụng tiền, tài sản đang bị tạm giữ, kê biên phong tỏa để khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án.

Một số bị cáo không được hưởng lợi nhưng cũng tự nguyện, hoặc tác động để gia đình nộp một khoản tiền khắc phục thiệt hại xảy ra, như Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á) nộp 25 triệu đồng, Phan Tôn Noel Thảo nộp 50 triệu đồng, Hồ Thị Thanh Thảo nộp 50 triệu đồng...

Mạnh H ng