Văn hóa - Du lịch

Từ Cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lương

Kim Sáng 14/01/20 - 19:40

Ngày 14/1, CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ phối hợp cùng Đường sách TP.HCM tổ chức tọa đàm với chủ đề “Từ Cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lương”.

“Cầm ca tân điệu" của tác giả Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc viết vào năm 1926 là một cuốn sách mang tính lịch sử và đóng vai trò quan trọng trong việc truyền dạy và phát triển đờn ca tài tử Nam Bộ.

Cuốn sách chứa đựng 60 bài tài tử, gồm 20 bản tổ và 40 bài khác, được phát triển để đáp ứng nhu cầu của âm nhạc sân khấu cải lương.

Nội dung của các bài ca mang tính luận đề và giáo huấn, dạy người ta trở thành con người tốt trong xã hội, dựa trên các điển tích trong văn học cổ và các sự kiện trong cuộc sống hàng ngày của người dân Nam Bộ.

z5070259437081_79d98214818700eda20b81232f2c7931.jpg
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ chia sẻ tại tọa đàm.

Cuốn sách được in song song với chữ nhạc và lời ca, rất dễ đọc với những người theo đuổi đờn ca tài tử.

Theo nhà báo Hà Đình Nguyên, ngày trước, việc dạy nhạc chủ yếu dựa trên truyền miệng, mỗi thầy dạy có cách riêng và không theo một phương pháp chuẩn nào.

Vì vậy, cuốn "Cầm ca tân điệu" đã trở thành một "bí kíp gối đầu giường" của giới đờn ca tài tử, cung cấp hướng dẫn chi tiết từ cách lên dây đến tiết tấu và nhịp điệu trên cây đàn kìm, giúp người học dễ tiếp thu.

Ths Huỳnh Khải cho rằng, cuốn "Cầm ca tân điệu" là tài liệu mang tính quy chuẩn chung để các nhạc sĩ trên cả 3 miền đất nước có thể làm phương tiện trao đổi, học hỏi và hòa đàn ca hát chung.

z5070259427009_07ac761a309c3ae07f176ced9cf6f7b0.jpg
Tọa đàm với chủ đề “Từ Cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lương” tại Đường sách TP.HCM.

Dựa trên các lòng bản của tác phẩm, đã có nhiều soạn giả tuồng hát, bài ca cổ sáng tác biết bao tác phẩm đúng chuẩn mực về dấu và chữ nhạc. Có thể xem đó là cái gốc để tạo nên hoa nên trái, làm giàu đẹp phong phú hơn cho các bài bản sau này.

"Buổi tọa đàm là dịp để ca ngợi công lao đóng góp to lớn của hai nhạc sư Lê Văn Tiếng và Trần Phong Sắc, những người đã có nhiều đóng góp trong việc phát triển đờn ca tài tử, nhất là dịp kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại", Ths Huỳnh Khải nói.

Đối với diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang – Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ, trong hành trình hơn 20 năm làm nghề, ông đã có hơn 0 tác phẩm Chặp cải lương tự sáng tác nhằm phục vụ hoạt động du lịch và chia sẻ tại nhiều trường học, đại học, bảo tàng…

z5070259440329_132fd49eb2ad1faae02f84e72ebf37.jpg
Các diễn giả chụp hình cùng khách mời.

Trong đó phải nhắc đến tác phẩm đầu tay là chặp cải lương “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” diễn tại điểm du lịch Cồn Thới Sơn, tỉnh Tiền Giang đã tạo nên làn sóng mộ điệu của du khách không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

Chặp cải lương có thời lượng ngắn từ 5-20 phút, có cốt chuyện rõ ràng, dễ hiểu, có vũ đạo, đạo cụ và dặm mặt tả thực nên rất trực quan sinh động.

Các tác phẩm của soạn giả Hồ Nhựt Quang luôn ca ngợi về tinh thần nhân nghĩa, tình yêu quê hương đất nước, sự yêu chuộng hòa bình, nhân ái.

z5070259585367_f205272f18f6d74933ea91e707882904.jpg
Diễn giả chia sẻ về Cầm ca tân điệu đến hát chặp cải lương.

Với việc học được ngữ khí trong tuồng, cách cười, cách khóc trong cao trào sân khấu do cố GS.TS Trần Văn Khê truyền thừa, kết hợp với sự hướng dẫn lòng bản của "Cầm ca tân điệu", anh đã trở thành người tiên phong trong thời đại mới qua việc sáng tác chặp cải lương.

Còn TS Nguyễn Phước Hiền - Phó Trưởng Khoa Văn hóa và Du lịch -trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, hát chặp cải lương với nội dung súc tích, lôi cuốn, dễ dàng tiếp cận với người trẻ trong thời đại mới.

z5070259843137_27a379ee0721be394c9ac3b3fbd3336f.jpg
Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều người, trong đó có rất đông các bạn trẻ.

"Tôi tin rằng hát chặp cải lương sẽ là phương tiện cực kỳ quan trọng giúp cho diện mạo du lịch trở nên hấp dẫn. Sức mạnh và tinh thần phụng sự vì văn hóa và âm nhạc, nghệ thuật truyền thống của các diễn giả sẽ trở thành tiền đề, cánh cửa mở ra luồng gió mới, sinh khí mới đầy tri thức ngay trong các tác phẩm nghệ thuật vừa có đờn ca tài tử và hát chặp cải lương”, TS Nguyễn Phước Hiền chia sẻ.

“Em rất bất ngờ vì hôm nay đường sách lại có một sân khấu đầu năm với đề tài thật bổ ích, các diễn giả đã chia sẻ kiến thức không theo kiểu hàn lâm mà rất dễ hiểu. Em rất thích tác phẩm chặp cải lương Thương Tết quê nhà của diễn giả Hồ Nhựt Quang, tác phẩm đã giúp em hiểu rõ hơn về thuần phong mỹ tục Tết cổ truyền, nhắc mình tinh thần gắn kết với quê hương, nguồn cội”, khán giả trẻ Trần Quang Khải, quận Phú Nhuận bày tỏ.

Kim Sáng