Giáo dục

Người thầy “thắp sáng” tình yêu âm nhạc cho trẻ khiếm thị

Võ Thắm - Nhật Huy 16/01/20 - 09:37

Vào mỗi thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, bên trong góc sân Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), anh Trương Lương Hy (trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) sẽ dạy đàn miễn phí cho trẻ khiếm thị. Đối với anh, đây chính là niềm hạnh phúc.

Thanh âm đẹp nhất là… âm nhạc

Có hẹn cùng anh Trương Lương Hy, chúng tôi di chuyển đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vào một buổi chiều đầy nắng. Vừa bước vào trung tâm, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng hòa cùng tiếng nói cười vang vọng cả một góc sân. Nơi đó, anh Trương Lương Hy đang cùng bạn trợ giảng của mình tận tình, nắn nót chỉ dạy các em mò mẫm các sợi dây của đàn ukulele.

dan-2.jpg
“Để thực hiện mong muốn của mình, anh đã xin thầy của mình cây đàn để tặng cho các em tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng này”, anh Trương Lương Hy chia sẻ.

Nhìn các em với ánh mắt dịu dàng và yêu thương, anh Lương Hy lặng lẽ quan sát các em luyện tập, chốc chốc, anh lại động viên vì sợ các em nản lòng.

Khi được hỏi về ý tưởng dạy đàn cho người khiếm thị, anh Hy chia sẻ: “Trong một lần đi massage tại cơ sở khiếm thị, anh đã có cơ hội được đàn hát giao lưu cùng với một bạn tại cơ sở. Trong lúc đàn hát cho bạn ấy nghe, anh quan sát thấy bạn đang cố gắng hết sức để kiểm soát hơi thở của mình, vì bạn sợ chỉ một hơi thở mạnh, chỉ một âm thanh nhỏ có thể làm ngắt quãng tiếng đàn của anh. Lúc đó anh mới nhận ra rằng, trong thế giới của bạn ấy chỉ còn lại âm thanh, và có lẽ với bạn, âm thanh đẹp nhất, tươi sáng nhất chính là âm nhạc. Vì lẽ đó, bạn mới trân quý đến từng phút giây khi cảm nhận âm nhạc như vậy”.

dan-3.jpg
dan-1.jpg
Với các em lúc này, thanh âm đẹp nhất là… âm nhạc

Từ những suy nghĩ sâu sắc đó, anh Trương Lương Hy đã nhen nhóm ý định dạy đàn cho những người khiếm thị.

Anh chia sẻ, nếu đặt bản thân mình vào thế giới chỉ toàn âm thanh, thì quả thật âm nhạc chính là thanh âm đẹp nhất. Anh tin rằng, âm nhạc có khả năng giúp con người hình thành một thế giới riêng, thế giới đó rất tươi sáng và lộng lẫy, bởi với chính anh, âm nhạc đã giúp anh dẹp bỏ mọi ngổn ngang để tìm về cảm xúc thật của chính mình.

Được biết, ý định dạy miễn phí cho những người khiếm thị đã được anh ấp ủ từ lâu, nhưng chưa có cơ hội thực hiện. “Anh thường dạy vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, một buổi học thường kéo dài từ 1 – 2 tiếng. Dẫu công việc này không mang lại cho anh tiền bạc, nhưng lại mang đến cho anh niềm vui”.

Chia sẻ về phương pháp dạy, anh Hy bộc bạch rằng anh không cần gượng ép các em học thật nhanh, chỉ cần tiếp cận nhạc cụ trong một tâm thế vui vẻ, thoải mái là được, bởi đích đến sau cùng của anh đó là mong muốn các bạn có thể hạnh phúc với âm nhạc.

“Dạy cho các em khiếm thị sẽ khác nhiều so với những bạn học viên khác. Mình phải trực tiếp cầm tay chỉ việc, hướng dẫn từng động tác, uốn nắn kĩ để các em hình dung được. Hơn hết, mình cùng với bạn trợ giảng sẽ cố gắng đặt bản thân của mình vào thế giới của các em để có thể giảng dạy một cách hợp lý nhất”, anh Hy tâm sự.

dan-6.jpg
Anh Trương Lương Hy tận tình chỉ dạy từng bạn khiếm thị.

Mỗi chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, ai cũng sẽ cố gắng vuốt ve, nâng niu cuộc sống của chính mình đến tận cùng, như Nam Cao đã từng nói: “Một người đau chân có lúc nào quên cái chân đau của mình để nghĩ đến cái gì khác đâu?”. Thế nhưng, nhìn anh Hy tận tâm chỉ dạy cho các em, chúng tôi mới biết rằng, trên đời này vẫn còn nhiều người đã thực sự bỏ quên mình để hướng đến thế giới của người khác. Anh Hy cũng nhấn mạnh, cuộc đời này ai cũng xứng đáng được hạnh phúc và bình an, chính âm nhạc sẽ đóng góp một phần để các em có được cuộc đời an vui ấy.

“Sẽ chẳng bao giờ nghèo khó khi cho đi”

Vừa đàn vừa hát trong giờ giải lao, em Nguyễn Gia Huy khiến chúng tôi cảm thấy ấn tượng bởi giọng hát vô cùng ngọt ngào: “Dù học đàn gặp nhiều khó khăn, nhưng thầy rất nhiệt tình và tận tâm. Thầy sẵn sàng sửa từng động tác tay, uốn nắn cho em”. Được biết, em quê tại Gia Lai, thấu hiểu bản thân mình thiệt thòi so với những người khác, em đã cố gắng rất nhiều để tập đàn. Với em, âm nhạc giúp em cảm nhận trọn vẹn thế giới cảm xúc của chính mình.

Tương tự như vậy, em Thanh Hằng cũng chia sẻ, âm nhạc giúp chiếu sáng vào cõi sâu thẳm trong trái tim của em, nó giúp mường tượng ra một cuộc sống đầy màu sắc, và chính thầy Hy cùng với bạn trợ giảng đã đưa nhạc cụ đến với các em, giúp em đến gần hơn với thế giới lộng lẫy ấy.

dan-7.jpg
Thầy Hy và bạn trợ giảng của mình tận tình, nắn nót chỉ dạy các em mò mẫm các sợi dây của đàn ukulele.

Thầy Hy chia sẻ, tất nhiên vật chất cũng rất quan trọng, nhưng anh muốn quan tâm đến cảm xúc trong bề sâu tâm hồn mình. Việc giảng dạy mang lại cho anh nhiều thứ mà tiền bạc không thể nào mua được, chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghèo khó khi cho đi.

“Anh mong muốn rằng, trong tương lai, các bạn có thể có được việc làm ổn định từ việc này. Các bạn có thể mở lớp dạy đàn cho những em khiếm thị khác, anh tin các bạn sẽ làm tốt hơn anh nhiều, bởi ở các em sẽ có sự thấu hiểu, có sự đồng cảm, hoặc các em có thể chọn công việc đi biểu diễn tại một số nơi, riêng về vấn đề đi lại của các bạn anh vẫn còn lăn tăn…”.

Vừa nói, đôi tay anh vừa đan vào nhau, anh không giấu nỗi sự lo lắng về tương lai của các em, bởi anh biết, một người bình thường tìm một công việc cũng rất khó, huống gì thế giới của các em chỉ là một màn đêm.

12.jpg
Âm nhạc giúp em cảm nhận trọn vẹn thế giới cảm xúc của mình.

Xin phép ra về để trả lại không gian lớp học cho các em, sau lưng chúng tôi là tiếng cười giòn tan và tiếng đàn trong trẻo. Có thể nói, cuộc sống mưu sinh dẫu có trầy trật, gian khó nhưng đâu thể làm lụi tàn đi một trái tim yêu thương đang rực lửa. Có lẽ, ở lớp học đó các em không chỉ nhận được bài học về âm nhạc, mà cao cả hơn còn là bài học về tình yêu thương…

V Thắm - Nhật Huy