Tạo điều kiện thực hiện nhanh các chương trình mục tiêu quốc gia
Thảo luận tại tổ về dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia đã triển khai từ nhiều năm nay, tuy nhiên không hiệu quả. Các đại biểu đề nghị nêu rõ lý do phải áp dụng có cơ chế đặc thù, đồng thời xem lại nguyên nhân từ đâu, do năng lực thực hiện hay do quy định của pháp luật.
Trước tình trạng hiện nay các sai phạm về tài chính diễn ra phổ biến, đại biểu Vũ Lưu Mai – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về việc mua sắm tài sản. Theo bà Mai, nếu chỉ quy định như dự thảo “có hóa đơn là thanh toán thì sẽ dễ dẫn đến buông lỏng quản lý”.
“Có những quy định cần cân nhắc đảm bảo tính chặt chẽ như mua sắm tài sản, quy định về đấu thầu. Để có được báo giá thì trong thị trường hiện nay rất đơn giản, khi chúng ta giao việc mua sắm thì cần quy định chặt chẽ, như ở đây chỉ nói có hóa đơn là được thanh toán”, đại biểu Mai lưu ý.
Về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều đại biểu tán thành với phương án 1 mà Chính phủ đề xuất. Theo đó, thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân; thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất …
Theo Đại biểu Nguyễn Văn Huy- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, phương án này sẽ bảo đảm cơ sở pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho các địa phương trong quản lý, giám sát sử dụng tài sản công được hình thành trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ sản xuất. Việc quy định sẽ kết nối được chính sách hỗ trợ của nhà nước với các đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... và có thể tổ chức thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được ban hành. Đại biểu đề nghị, bổ sung các quy định để tránh tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát để phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư khi các dự án hoàn thành.
Vận dụng linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn của từng địa phương
Về mục tiêu lựa chọn địa bàn thí điểm và thời gian thực hiện, Đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị cần linh hoạt hơn thay vì quy định “mỗi địa phương chỉ chọn 1 huyện thí điểm” sẽ không đảm bảo tính khách quan và hiệu quả “bởi mỗi địa bàn có đặc thù khác nhau”.
“Chúng tôi ủng hộ quan điểm thực hiện trong năm 20, 2025 làm cơ sở áp dụng thực hiện trong giai đoạn sau. Mục tiêu chính lựa chọn đối tượng, đối với địa bàn địa phương cơ bản hoàn thành. Cá nhân tôi thì thí điểm áp dụng địa bàn đã hoàn thành rồi thì không hiệu quả, cần chọn địa bàn còn vướng mắc khó khăn cần tháo gỡ”, đại biểu Thành đề xuất.
Nội dung nhận được nhiều ý kiến đại biểu là quy định liên quan đến phân cấp, theo dự thảo, giao cho HĐND phân cấp cho từng dự án, phân bổ cho từng dự án. Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị, cần xem xét lại năng lực thực hiện và tình hình thực tiễn chứ không nên quy định “cứng” nhắc như dự thảo.
“Về nguyên tắc thì chúng ta phân cấp, phân quyền cho những chủ thể mà có đủ năng lực, có đủ khả năng để thực hiện những thẩm quyền đó. Thế thì phải đánh giá trên cơ sở thực tế, chứ không thể là đưa ra một mức là cứ mỗi địa phương thì chọn một huyện”, đại biểu Thủy nói.