Du lịch Sầm Sơn bao giờ hết cảnh mùa vụ?
Cấp tập, dồn dập trong vòng chưa tới 100 ngày, nhiều năm qua du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) chỉ bám bờ biển để hút du khách vào mùa hè. Những tháng ngày còn lại dường như “đắp chiếu”, Sầm Sơn vắng lặng. Lao động thời vụ di tản, lên thuyền ra biển đánh bắt cá, chủ nhà hàng, khách sạn tìm cách trả lời câu hỏi “bao giờ hết cảnh mùa vụ”?
Nếu nhìn vào báo cáo, các nhà quản lý vẫn tự hào khi tốc độ tăng trưởng du khách về Sầm Sơn vẫn tăng đều qua các năm. Ngày 16/1, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động du lịch năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 20.
Theo báo cáo, năm 2023, Sầm Sơn đã đón gần 8 triệu lượt khách, bằng 112,8% so với cùng kỳ và 109,7% kế hoạch - là một trong những đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố đón lượt khách du lịch đông nhất cả nước.
Theo đó, phục vụ hơn triệu ngày khách, bằng 105,7% so với cùng kỳ và 101,8% so với kế hoạch. Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt gần 14,3 nghìn tỉ đồng đạt 102,9% so với cùng kỳ và 100,6% so với kế hoạch. Hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thành phố có 710 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 6.955 phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác, công suất sử dụng phòng nghỉ năm sau cao hơn năm trước.
Hướng tới mục tiêu trở thành thành phố của lễ hội, Sầm Sơn đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức sự kiện xây dựng Kế hoạch tổ chức các chương trình, chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội, thể thao được tổ chức trên địa bàn, như: Chương trình nghệ thuật thuộc khuôn khổ lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2023; lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái...
Thành phố đã đưa nhiều sản phẩm du lịch, như: Khu quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; tuyến phố đi bộ kết hợp với kinh doanh mua sắm hàng lưu niệm, giải khát, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại tuyến đường Thanh Niên. Đặc biệt, sau Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn với chuỗi các hoạt động hấp dẫn, như: Giải bóng bàn, cầu lông, tennis và gofl, Giải vật Quốc gia, tổ chức ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân học môn bơi phòng chống đuối nước,... đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Đó là chuyện của 3 tháng hè vui tươi, nhộn nhịp. Nhưng trong những ngày tháng tươi đẹp đó vẫn còn nhiều tồn tại mà chính quyền địa phương cần phải khắc phục.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi chỉ đạo Hội nghị đã thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra không ít hạn chế như tình trạng bát nháo của xe điện 4 bánh chở du khách; buôn bán chộp giật, vệ sinh môi trường khu dân cư, khu du lịch…
Dù có nhiều nỗ lực, giải pháp nhưng trong năm 2023 vẫn phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra 62 cơ sở kinh doanh, phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; 18 cơ sở vi phạm về giá cả; 7 vụ việc vi phạm về cân đo khi du khách mua hàng hóa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh, văn hóa du lịch Sầm Sơn và cả xứ Thanh.
Sầm Sơn du lịch bốn mùa được không? Điều này rất khó. Với “hệ điều hành” bám biển, mài bãi biển ra để thu hút du khách thì yếu tố thời tiết vẫn là chủ đạo. Mùa hè mà gặp bão, mưa gió thì các chủ nhà hàng, khách sạn lo sốt vó vì khách đồng loạt hủy phòng, hủy tua. Trời chuyển tiết thu thì Sầm Sơn coi như “ngủ đông” trong một thời gian dài.
Vài năm trở lại đây, các nhà đầu tư lớn đổ về Sầm Sơn thực hiện các dự án quy mô, đẳng cấp nhưng vẫn chưa đồng bộ. Các sản phẩm, loại hình du lịch, vui chơi, giải trí hay kinh tế đêm đối với thành phố biển này còn khá mơ hồ.
Thành phố không có tuyến phố đi bộ, chợ đêm hay điểm giới thiệu sản phẩm đặc trưng. Du khách khi về Sầm Sơn ngoài tắm biển, đi loanh quanh, ăn hải sản rồi thì về phòng đi ngủ. Không có trung tâm thương mại, không cơ sở chăm sóc sắc đẹp, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với trị bệnh hay vui chơi cảm giác mạnh…
Các tuyến như đường ven biển từng bước đã được đầu tư, quốc lộ 47 và đại lộ Nam Sông Mã cơ bản đáp ứng việc di chuyển từ Quảng Xương, Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa tới Sầm Sơn chỉ chừng hơn 20 phút. Tuy nhiên lại thiếu các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn nên người dân, du khách đều chọn ở nhà xem ti vi hay lướt mạng xã hội thay vì lên xe tung tăng đi chơi.
Khổ nhất vẫn là các chủ nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ khác. Vì tính chất mùa vụ mà loay hoay hạch toán, chi trả lương nhân viên, tìm cách giữ người, bảo quản cơ sở… Trả lương, đóng bảo hiểm quanh năm thì lỗ vốn, mà để họ đi làm việc khác, ở nơi khác đến mùa lại đau đầu chạy đôn chạy đáo để tuyển dụng.
Chính tính thời vụ đã dẫn đến chất lượng phục vụ, cung cách ứng xử không cao, tình trạng “chộp giật” vẫn diễn ra. Đây là cái gốc của vấn đề tồn tại ở Sầm Sơn bao năm qua khiến giấc mơ du lịch bốn mùa còn xa vời vợi.