Nhịp cầu Công lý

Nghệ An: Người dân khốn khổ vì gửi tiền tiết kiệm vào tiệm vàng Tám Nhâm

Trần Tú – Hải Yến 18/01/20 11:36

Hàng trăm người dân ở huyện Yên Thành (Nghệ An) đã gửi tiền tiết kiệm vào tiệm vàng mong được nhận lãi suất cao, song suốt 8 năm qua, tiền lãi chẳng được bao mà tiền tiền gốc đang có nguy cơ mất trắng…

Doanh nghiệp tự cấp sổ tiết kiệm, giao dịch như ngân hàng

Vừa qua, Báo Công lý đã nhận được đơn tố cáo của hơn 100 người dân các xã Đại Thành, Công Thành, Mỹ Thành, Khánh Thành…ở huyện Yên Thành (Nghệ An) phản ánh về dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của một doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn.

Theo đơn, từ năm 2017 về trước, lợi dụng vào sự nhẹ dạ, không hiểu biết pháp luật của người dân, vợ chồng chủ cửa hàng Vàng Tám Nhâm tại xóm Ngã Tư, xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã tự ý in hàng trăm “Sổ Tiết kiệm” có con dấu doanh nghiệp tư nhân Tám Nhâm nhằm mục đích huy động vốn.

nguy_co_mat_trang_tien_khi_lam_so_tiet_kiem_tai_tiem_vang_1.jpg
Người dân xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) gửi đơn, sổ tiết kiệm tố cáo doanh nghiệp Tám Nhâm

Do việc phát hành “Sổ Tiết kiệm” của ông Tám - bà Nhâm rất công khai, không bị UBND xã Công Thành và Công an xã Công Thành phát hiện kịp thời để ngăn chặn nên người dân nhầm tưởng rằng doanh nghiệp này được pháp luật cho phép huy động vốn dưới hình thức vận động, kêu gọi người dân gửi tiết kiệm.

Ông Võ Duy Long (72 tuổi), ở xóm Quảng Cư, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành cho hay, khoảng năm 2014, doanh nghiệp vàng bạc Tám Nhâm mở sổ tiết kiệm. Tin tưởng doanh nghiệp nên ông đưa tiền đến gửi. Thời gian đầu, doanh nghiệp trả lãi sòng phẳng, đến cuối năm 2016 thì tuyên bố vỡ nợ. Hiện nay, ông vẫn còn hơn 700 triệu đồng gửi "Sổ Tiết kiệm" chưa đòi được.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Lê Văn Hạnh, ngụ xóm 4, xã Công Thành, huyện Yên Thành cũng vì tin tưởng nên đã mang số tiền 600 triệu đồng đến gửi ở hiệu vàng Tám Nhâm; ông Đậu Trọng Cầu, xóm 4, xã Đại Thành gửi 100 triệu đồng…nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền lãi và gốc.

Sau khi người dân gửi tiền vào cho hiệu vàng Tám Nhâm, đến hạn rút tiền theo nội dung ghi trong “Sổ Tiết kiệm” thì không rút được. Từ năm 2017 đến nay, người dân vẫn liên tục đòi rút tiền nhưng cũng không được giải quyết. Do quá bức xúc, hàng trăm nạn nhân đã phải túc trực trước cửa hàng vàng của Tám Nhâm tại xóm Ngã Tư, xã Công Thành để đòi tiền. Tổng số tiền doanh nghiệp Tám Nhâm còn nợ người dân được tổng hợp là hơn 9 tỉ đồng.

nguy_co_mat_trang_tien_khi_lam_so_tiet_kiem_tai_tiem_vang_2.jpg
Cuốn sổ tiết kiệm được Doanh nghiệp tư nhân Tám Nhâm cấp cho người dân

Chủ Doanh nghiệp Tám Nhâm nói gì?

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp Tám Nhâm vào năm 2005 cho thấy, doanh nghiệp này không được cấp phép thực hiện các hoạt động tài chính như: Nhận tiền gửi của các tổ chức, cá nhân và phát hành sổ tiết kiệm, bởi đây là hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Doanh nghiệp Tám Nhâm cũng không có trong bản danh sách các TCTD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Vì thế, hành vi doanh nghiệp phát hành sổ tiết kiệm, huy động tiền gửi trong dân có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

nguy_co_mat_trang_tien_khi_lam_so_tiet_kiem_tai_tiem_vang_3.jpg
Nhiều người dân khốn đốn khi không đòi được số tiền đã gửi.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, tại khoản 2, điều 8, Luật Các tổ chức tín dụng: Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.

Trao đổi với PV Báo Công lý, ông Nguyễn Vĩnh Tám, chủ Doanh nghiệp tư nhân Tám Nhâm xác nhận, doanh nghiệp của ông kinh doanh nhiều ngành nghề, tích cóp được số tiền gần 20 tỉ đồng trước khi mở tiệm vàng vào năm 2016. Thấy doanh nghiệp làm ăn uy tín nên một số người dân đã đưa tiền đến gửi lấy lãi vì lãi suất của doanh nghiệp trả cao hơn lãi suất từ ngân hàng. .

“Do một số cá nhân khác vay từ vợ chồng tôi vỡ nợ, bỏ trốn dẫn đến việc doanh nghiệp của tôi mất khả năng thanh khoản số tiền huy động vốn từ người dân hơn 29 tỉ đồng. Thời gian qua, gia đình tôi đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng, không bỏ khỏi nơi cư trú mà bán tài sản, đất đai khắc phục trả lại cho 196 người với số tiền hơn 22 tỉ đồng. Đến nay, chúng tôi vẫn còn nợ hơn 9 tỉ đồng", chủ doanh nghiệp này nói.

Khi PV đặt câu hỏi: “Vì sao tiệm vàng lại mở sổ tiết kiệm giống như ngân hàng?” thì ông Tám giải thích, thời điểm đó, một số tiệm vàng khác trong vùng cũng mở sổ tiết kiệm như vậy nên doanh nghiệp ông in sổ tiết kiệm đưa cho người dân để giữ uy tín.

Hiện tại, cuộc sống của những người dân là nạn nhân của doanh nghiệp Tám Nhâm đang rơi vào cảnh túng quẫn, có gia đình đã mất người thân, trầm cảm rồi như phát điên trước nguy cơ mất trắng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chấm dứt tình trạng khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự an ninh trên địa bàn. Đồng thời, xử lý nghiêm minh trước pháp luật đối với những cá nhân có hành vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Trần Tú – Hải Yến