Phóng sự - Ghi chép

Nét đẹp cổ truyền đón Tết của đồng bào Thái

Gia Ân-Minh Thái 20/01/20 - 08:05

Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều có những phong tục riêng để đón Tết cổ truyền. Cách đón mừng năm mới của đồng bào Thái ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cũng rất riêng và độc đáo, đó là vào sáng mồng 1 Tết, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều về quây tụ tại nhà văn hóa làng để cùng nhau làm mâm cỗ cúng đầu Xuân năm mới.

Lưu giữ những phong tục, tập quán truyền thống

Chúng tôi có mặt tại nhà văn hóa làng Men, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) khi bà con nơi đây đang tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng năm mới tại nhà văn hóa làng. Mâm cỗ được chuẩn bị rất tươm tất, ngoài các món truyền thống như gà, xôi, bánh chưng, mâm cỗ cúng của người Thái còn có các loại bánh ít, ho móc, chà lam.

Theo quan niệm của đồng bào Thái, việc làm mâm cỗ cúng đầu xuân năm mới tại làng vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa thể hiện sự sung túc, no đủ. Đồng thời, thể hiện lòng thành kính của con cháu các dòng họ trong làng nhớ về cội nguồn, tổ tiên, cầu mong được phù hộ sức khỏe dồi dào, sống lâu muôn tuổi, con trâu, còn bò lớn nhanh như thổi.

anh-3(2).jpg
Nhà văn hóa là địa điểm sinh hoạt giải trí tinh thần sau một ngày làm việc vất vả, giúp người Thái nơi đây gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc

Việc làm mâm cỗ cúng tại làng đầu xuân năm mới rất được coi trọng, các món gà và cá yêu cầu người làm phải là người đàn ông có uy tín trong làng; với các món xôi, bánh do chị em phụ nữ phụ trách. Đây không chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống của đồng bào nơi đây mà còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, chu đáo của phụ nữ dân tộc Thái.

Ông Vi Văn Hướng– Người cao tuổi làng Men, xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn cho chúng tôi biết: “Người Thái đón Tết cũng giống như các dân tộc khác, điều đặc biệt là luôn giữ truyền thống của người Thái, những phong tục tập quán của ông bà, cha mẹ truyền lại và không bỏ một phần nào của phong tục. Đồng thời, phát huy các nét đẹp vốn có từ trước đến nay, vì vậy con cháu luôn giữ gìn bản sắc, lòng tín ngưỡng đối với ông bà, cha mẹ”.

Trong đêm giao thừa hương nhang không được tàn, cả nhà phải thức ngồi quây quần bên bếp lửa để đón giao thừa, chào đón những giây phút quan trọng, sự chuyển giao của năm cũ sang năm mới. Trong tiếng Thái, giao thừa gọi là pông chay. Đúng 12 giờ đêm Giao thừa cũng chính là lúc mà các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở đẳm chào trên mường trời tề tựu đông đủ tại gian hóng trong nhà.

anh-22(1).jpg
Phụ nữ Thái chuẩn bị mâm cỗ cúng đón Tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Thái

Vì thế, để chứng tỏ là ngày Tết thực sự, con cháu trong nhà phải túc trực, đánh chiêng trống chào đón; bày các loại áo, váy, quần áo trẻ em, vải vóc, mặt chăn thổ cẩm, bạc nén, vòng cổ, vòng tay để tổ tiên chứng dám khung cảnh và hương vị của ngày Tết. Người Thái có tục giữ lửa bếp trong suốt đêm Giao thừa. Đồng bào quan niệm rằng, nếu bếp lửa mà tắt thì năm mới sẽ gặp phải nhiều điều không may mắn.

Thể hiện tinh thần nhân văn, khát vọng ấm no và thịnh vượng

Tết đến Xuân về là dịp để khắp làng trên bản dưới, bà con cùng quây quần bên nhau nhìn lại những thành quả của một năm lao động sản xuất và tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ nhảy sạp, khắc luống, múa hát cồng chiêng và cùng thưởng thức món ngon truyền thống, mời nhau những chén rượu nồng, chúc cho mọi người khỏe mạnh, bản làng, gia đình được thịnh vượng, an khang.

Bà Vi Thị Hằng, người dân làng Màn Thịnh, xã Nghĩa Thọ chia sẻ: “Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến đồng bào dân tộc Thái. Chúng tôi rất phấn khởi khi khôi phục được bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ đó, mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng tôi lại được thưởng thức văn hóa riêng của người Thái”.

Niềm vui của bà con người Thái ở làng Men, xã Nghĩa Thọ như được nhân lên, khi Tết đến Xuân về cũng là lúc nhà văn hóa làng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây không chỉ là nơi để tổ chức các buổi hội họp phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn là địa điểm sinh hoạt giải trí tinh thần sau một ngày làm việc vất vả, để người Thái nơi đây gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

anh-1(1).jpg
Bà con trong trang phục ngày hội ném còn

Tết của người Thái ở huyện Nghĩa Đàn được tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ bắt đầu diễn ra từ ngày mồng 1 Tết cho tới mồng 10. Các trò chơi rất náo nhiệt như đi cà kheo, khắc luống, đánh trống, cồng chiêng và hát múa lăm vông….

Ông Trương Công Cánh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm: “Sau khi thực hiện xong nghi lễ ở gia đình, tổ tiên thì tất cả bà con sẽ về tại hội quán của xóm, tại đây cũng thực hiện một mâm cúng ở làng để cầu mong một năm mới an vui, mạnh khỏe, nhân dân đoàn kết. Đây chính là nét độc đáo rất riêng của đồng bào dân tộc Thái. Vì vậy, Đảng ủy, chính quyền đang thực hiện gìn giữ và lưu giữ những nét đẹp của dân tộc Thái tại địa phương”.

anh-2(1).jpg
Phong tục đón Tết của các dân tộc dù khác nhau ở tục lệ, nhưng lại đều gặp nhau ở tinh thần nhân văn, ở khát vọng ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng

Phong tục đón Tết của các dân tộc dù khác nhau ở tục lệ, nhưng lại đều gặp nhau ở tinh thần nhân văn, ở khát vọng ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng. Đó không chỉ là dịp để đồng bào được ăn ngon, mặc đẹp mà còn tạo được sự gắn kết giữa các thành viên trong mỗi gia đình, dòng họ và cả cộng đồng làng bản, qua những lời ca, tiếng hát, những chén rượu, lời chúc tốt đẹp gửi đến nhau khi Tết đến, Xuân về.

Gia Ân-Minh Thái