Văn hóa - Du lịch

'Tình làng nghĩa xóm' - nơi lưu giữ, tiếp lửa những giá trị văn hóa

Tuyết Nhung 07/02/20 - 07:16

Mỗi làng quê có phong tục tập quán riêng, nhưng “tình làng nghĩa xóm” nơi đâu cũng đều thể hiện sự gắn kết, sẻ chia, rất chân thành và luôn giản dị. Đặc biệt, mỗi dịp năm mới đến thì làng, xóm lại là nơi những xa sứ trở về để được sống trong không gian sinh hoạt truyền thống và mang nhiều giá trị văn hóa cao đẹp của đất nước, con người Việt Nam.

Trải qua nhiều thế hệ, câu tục ngữ “Bà con xa không qua láng giềng gần” vẫn giữ nguyên giá trị. Cái tình, cái nghĩa đậm đà nơi làng quê được ông cha ta xây đắp bao đời đã soi rọi cho con cháu hôm nay tiếp tục gìn giữ và phát huy.

Sống trong thành phố, đô thị ngày nay có lẽ ít ai hiểu được đúng nghĩa về cụm từ “tình làng nghĩa xóm” mà người Việt trước đây vẫn hay nhắc đến. Làng xóm đối với người Việt Nam trước đây là nơi sinh ra, lớn lên, có quan hệ đến việc hình thành tính cách của mỗi con người.

lang-xom2.jpg
Tình làng nghĩa xóm vẫn được người dân Việt Nam cất giữ và thể hiện như một nét đẹp truyền thống của dân tộc

Nói đến làng xóm là nói đến tình nghĩa là để chỉ sự gắn kết, đùm bọc, chia sẻ với nhau, không chỉ trong quan hệ họ hàng, dòng tộc, mà cao hơn, là sự gắn kết cộng đồng.

Dù trong thời chiến hay thời bình, truyền thống tốt đẹp ấy vẫn được gìn giữ và phát huy. Câu nói tình làng nghĩa xóm khi “tối lửa tắt đèn có nhau” đã được kết tinh trong quá trình lao động, sinh hoạt của ông cha ta từ những ngày đầu khai hoang mở đất. Tuy nghèo về vật chất, nhưng cái tình, cái nghĩa lại đầy ắp trong từng con người, làng xóm Việt Nam.

Tình làng nghĩa xóm – đơn giản chỉ là những lời chào hỏi cởi mở hằng ngày, là chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, là thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, là giúp đỡ tận tình lúc nhà có công có việc.

Đó là san sẻ với nhau từng mớ rau, con cá, quả trứng. Rồi cả khi có bát canh ngon, bát xôi trắng, chút dưa cà muối chua cũng chia sẻ với nhau. Đó là mỗi sớm mai rủ nhau đi chợ, đi làm đồng í ới vang cả một góc trời.

Rồi cả những "công to việc lớn" như xây nhà, làm chuồng, hỗ trợ nhau cây, con giống, vốn để phát triển sản xuất cũng chẳng nề hà. Họ sẵn sàng giúp nhau giảm nghèo, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là đoàn kết chung sức đồng lòng xây dựng và đổi mới quê hương...

Đặc biệt, mỗi khi tết đến xuân về, cái không khí làng quê nhộn nhịp cũng nhau gói bánh, cùng nhau làm cỗ đã in sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người dân Việt Nam.

lang-xom.jpg
Một nét đẹp mộc mạc, dung dị không thể nhầm lẫn với bất kỳ dân tộc nào trên thế giới.

Tôi còn nhớ mãi câu chuyện của ba kể: "Hồi bố lên 7 tuổi, tết Mậu Thân năm đó nghèo lắm. Ông là thợ may nhưng ngồi đến ngày 30 ngoài chợ cũng không có một khách nào. Nhà vẻn vẹn còn hai đấu gạo, một con gà trống còn sót lại trong chuồng. Nhìn thấy cảnh như vậy, bà Thương, thím Năm đã mang sang cho mấy lạng thịt và chút rau, mấy con cá khô. Cũng nhờ thế mà cả nhà vẫn có tết".

Những câu chuyện như vậy chắc giờ sẽ không còn nữa. Nhưng vẫn còn các hoàn cảnh kém may mắn và vẫn cần có sự giúp đỡ từ "tình làng nghĩa xóm".

Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ phường Mễ Trì (Nam Từ Liêm) đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện thu gom phế liệu, “nuôi lợn tiết kiệm”, tham gia “hũ gạo tiết kiệm” để giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Có nhiều mặt tích cực nhưng do ảnh hưởng của lối sống thực dụng mà tình làng nghĩa xóm cũng bị mai một ít nhiều. Chỉ vì tranh chấp đất đai, tài sản… mà hàng xóm lâu năm lại “ăn thua đủ” để rồi dắt nhau ra tòa. Hay đơn giản chỉ là những xích mích nhỏ nhặt của con trẻ cũng làm mất đi nghĩa tình mà hai gia đình dựng xây qua bao thế hệ.

Nói gì đi nữa, dù ở đâu hay trong môi trường nào thì cái “tình” giữa người với người vẫn là điều quan trọng và cần được phát triển. Suy cho cùng, hàng xóm vẫn là những người hàng ngày sống quanh chúng ta, tại sao chúng ta không dành cho họ những tình cảm yêu mến, không sẻ chia cùng họ những lo toan trong cuộc sống?

Nếu một ngày chúng ta bị đau bệnh cần cấp cứu ngay thì những người hàng xóm ở bên cạnh là những người sẽ dễ dàng giúp đỡ chúng ta nhất. Hay khi đó chúng ta lại chờ đợi sự trợ giúp từ những người thân ở nơi xa. Điều này có lẽ những người sống xa nhà sẽ là những người hiểu nhất.

lang-xom3.jpg
Những giá trị văn hoá được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Khi ở xa gia đình, không có người thân bên cạnh, bạn sẽ hiểu tình nghĩa hàng xóm là vô cùng quan trọng. Họ sẽ là những người ở gần, giúp đỡ và cùng chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống với chúng ta, đôi khi còn hơn cả những người thân của chúng ta ở nơi xa nữa.

Vì vậy, thay bằng “đóng cửa đóng tình người” chúng ta hãy thay đổi, cởi mở hơn với những người hàng xóm lân cận của mình, yêu thương, san sẻ cùng nhau để có được những mối quan hệ tốt. Để những nét đẹp văn hóa trong đó có nét đẹp “tình làng nghĩa xóm” đã, đang và luôn được gìn giữ và phát huy.

lang-xom4.jpg

Tuyết Nhung