Đời sống

Xuân nơi nơi địa đầu Tổ quốc

Liên Nhung - T. Dũng 10/02/20 16:30

Những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước đã khép lại sau lưng, nhưng từ thi ca, những câu chuyện thời hậu chiến vẫn luôn nhắc nhở thế hệ hôm nay về những hy sinh, gian khổ của lớp người đi trước.

Linh thiêng miền biên ải

Có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), chúng tôi cảm nhận rõ cái lạnh thấu xương thịt. Những câu chuyện của các cựu chiến binh đã đưa cả đoàn như trở lại những ngày chiến đấu quật cường của quân, dân vùng biên giới.

Nghĩa trang Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của hơn 1.800 liệt sĩ từ cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc vẫn đang nghi ngút khói hương. Trong đó, có một ngôi mộ tập thể và hàng trăm mộ chưa xác định được thông tin.

Tới điểm linh thiêng miền biên viễn có những cựu chiến binh đi thăm phần mộ đồng đội, vợ viếng mộ chồng, con thăm mộ cha, những người mẹ, người chị đến thăm lại mộ con, em mình. Trong mắt ai cũng còn nhiều tâm tư, nỗi khắc khoải không nói thành lời.

xuan-noi-dia-dau-to-quoc-2-.jpg

Trong màu trắng xóa của trời đất thì những chứng tích của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc lại hiện lên rực rỡ và rõ ràng vô cùng…

Màu xanh, trắng đã phủ lên "Lò vôi thế kỷ" cũng như các quả đồi, cánh rừng, hố đạn nơi biên thùy phía Bắc năm xưa nhưng những nỗi niềm, bài học về sự hy sinh anh dũng, chiến đấu quật cường của quân đội ta, đồng bào ta luôn còn mãi.

Chính vì thế, mỗi độ xuân về, những dải hoa trên khắp các nẻo biên cương lại nở rộ, mang dáng vẻ đẹp đẽ đến lạ lùng. Những rừng hoa ban, hoa mơ, hoa mận… hồng nhẹ hay trắng muốt. Những cánh hoa mỏng manh, nhụy vàng tươi cứ bung ra mà nở, cứ rộ lên mà trắng, cứ xòe ra mà rung rinh, khoe sắc tinh khôi, khoe mùi hương dìu dịu với đất trời hoang sơ, kỳ vĩ.

Chúng tạo nên những thảm hoa trắng muốt trên nền lá xanh đậm. Có phải đó là những bông hoa được mọc lên từ đất, từ đá giống như những người chiến sĩ, đồng bào ta nơi biên thùy kia không. Họ đã ngã xuống ở độ tuổi đẹp nhất. Mười tám, đôi mươi - thời điểm bao hoài bão, ước mơ và họ đã hy sinh rồi hóa mình vào non sông, vào núi đá bằng những bông hoa trắng ngần như vậy.

Xuân của đất trời, xuân của lòng dân

Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn công tác đã tới những đồn biên phòng tại tỉnh Hà Giang. Có đi mới thấy được nỗi vất vả của những chiến sĩ “mang quân hàm xanh”.

Xa gia đình, xa vợ con, đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy nhưng với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Các chiến sĩ đã tích cực bám sát địa bàn, triển khai đồng bộ các biện pháp biên phòng, đặc biệt làm tốt công tác vận động quần chúng, qua đó góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Khắc sâu lời Bác Hồ dạy: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã ngày đêm bám đất, bám dân, bám địa bàn, hòa mình với phong trào quần chúng, thực hiện “bốn cùng” với nhân dân; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng và ý thức làm chủ bảo vệ biên giới cho mọi người.

Sự hy sinh thầm lặng của họ là để ngọn cờ trên đỉnh núi Rồng luôn vững chãi, tung bay trong gió. Để mỗi khi có dịp đến các xã biên giới của các huyện Đồng Văn, Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Yên Minh, mọi người đều cảm nhận thấy hương sắc xuân lan tỏa khắp nơi. Không khí chuẩn bị đón xuân tưng bừng khắp các nẻo đường thôn, bản.

Tại đây, sau khi tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới, nhiều gia đình đã được đón Tết trong ngôi nhà kiên cố, khang trang.

Đứng giữa mênh mông sắc màu của đất trời, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay tích cực, trù phú của Hà Giang. Đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng sung túc.

Tấp nập, sôi động nhất là những phiên chợ Tết cuối năm, bà con rủ nhau xuống chợ sắm đồ vui Tết; trẻ em theo chân mẹ để chọn mua áo quần, giày dép đẹp. Những mặt hàng được trao đổi tại các chợ phiên đã cho thấy sự thay đổi trong nhu cầu của người dân.

Đã không còn là thời kỳ “tự sản, tự tiêu”; người dân đã biết làm kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm có lợi nhuận cao. Đồng thời, mua về những thứ thật sự chất lượng phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Đối với những gia đình còn nhiều khó khăn, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực chăm lo, quan tâm, hỗ trợ để họ cùng nhân dân cả nước đón Tết đủ đầy.

Mùa xuân này, sự “thay da đổi thịt” hiện diện ở vùng đất dọc tuyến biên giới: Điện lưới quốc gia, nước sạch đã và đang vươn tới nhiều gia đình, hệ thống đường giao thông nông thôn dẫn về các thôn, làng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp; mạng lưới y tế đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe của người dân; hệ thống chính trị được củng cố; vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng cao, sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương cơ sở phát huy hiệu quả; công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể được quan tâm đẩy mạnh; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được củng cố, giữ vững; các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng...

Để từ đó, chính những người dân, từng đồng bào cũng trở thành nhân tố quan trọng trong bảo vệ chủ quyền, biên giới của Tổ quốc. Họ trở thành một phần không thể thiếu trong phong trào bảo vệ đường biên cột mốc, tiên phong bám bản bám đất nơi biên giới.

Công cuộc giữ đất vùng biên của những người lính quân hàm xanh, nếu có bớt nhọc nhằn hơn cũng là có chỗ dựa từ những người dân như vậy.

Những cột mốc biên cương đã được người dân vùng biên giữ gìn theo cách riêng của họ, với tinh thần của những người thực sự coi biên giới là quê hương.

Liên Nhung - T. Dũng