Chuyển đổi số, bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Sóc Trăng
Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số, và đặt quyết tâm đến năm 2025, xây dựng chính quyền điện tử thuộc nhóm khá trong các tỉnh ĐBSCL. Để hiểu rõ hơn về vấn đền này, PV đã có cuộc phỏng vấn ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng.
PV: Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 27/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 07), cho đến thời điểm này tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
Ông Lâm Văn Mẫn: Ngay sau khi ban hành Nghị quyết số 07, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã đầu tư xây dựng Trung tâm xử lý, điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm phục vụ chính quyền điện tử và đô thị thông minh (Trung tâm IOC); thành lập tổ tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính và tổ dữ liệu IOC để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 07 đề ra và lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng; dịp này, sẽ lựa chọn nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm phát động, tổ chức thực hiện bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Chính quyền số của tỉnh bắt đầu hình thành với 87,56% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh (phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt 90%); 83,47% đối với cấp huyện; 86,92% đối với cấp xã. Các ngành chức năng từng bước triển khai nhiều nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin như: sàn giao dịch thương mại điện tử, khai báo thuế điện tử, hoá đơn điện tử, chữ ký số…
Kinh tế số bước đầu hình thành trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục và đạo tạo và một số lĩnh vực quan trọng khác như tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ với nhiều hình thức kinh doanh mới, dựa trên nền tảng số và logistics,...
Các doanh nghiệp triển khai hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt; ứng dụng phầm mềm quản lý doanh nghiệp, quản lý bán hàng góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Kết quả, kinh tế số của tỉnh đạt 7,41% GRDP (phấn đấu đến năm 2025 đạt 20% GRDP); tổng số người từ tuổi trở lên có tài khoản giao dịch đang còn hoạt động tại các ngân hàng là 775.614 người, tỷ lệ 83,43%.
Hạ tầng xã hội số có bước phát triển, cáp quang được kéo đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn; mạng viễn thông đã cơ bản cung cấp dịch vụ tới 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; cơ bản phủ sóng 3G, 4G cho các địa bàn dân cư, 5G được triển khai tại 3 điểm trên địa bàn TP. Sóc Trăng.
Qua đó, góp phần giải quyết công việc được nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả, người dân đã chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, hình thành văn hoá trên môi trường số.
PV: Chuyển đổi số được xác định là một trong những nền tảng chính tạo nên sự phát triển đột phá của tỉnh Sóc Trăng trong giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo. Xin ông cho biết, tỉnh ưu tiên thực hiện nền tảng quan trọng này như thế nào?
Ông Lâm Văn Mẫn: Nghị quyết số 07 đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên thực hiện công tác chuyển đổi số gồm: nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo và an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và đạt kết quả như sau:
Đối với lĩnh vực nông nghiệp: Từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu đến các hệ thống, nền tảng tích hợp của tỉnh và quốc gia; tập trung triển khai các nền tảng số tích hợp với thiết bị IoT hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác, sản xuất, truy xuất nguồn gốc, tiêu thụ nông sản.
Trong năm qua, Sở NN &PTNT hỗ trợ gần 1,7 triệu con tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Đồng thời, đơn vị đã triển khai ứng dụng phần mền VAHIS báo cáo dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản; hệ thống bẫy đèn điện tử thông minh trong theo dõi, dự báo dịch hại; xây dựng bản đồ phòng, chống thiên tai của tỉnh Sóc Trăng và 11 huyện, thị xã, thành phố trên phần mềm quản lý GIS và tham gia thực hiện Dự án “Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (MCRP)” phục vụ hoạt động xây dựng "Cơ sở dữ liệu ngành nước ĐBSCL”.
Đối với lĩnh vực du lịch: Sở VHTT&DL triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu Cổng Thông tin du lịch thông minh (mysoctrang.vn) và ứng dụng Du lịch thông minh (SocTrang tourism) tích hợp bản đồ du lịch và sản phẩm du lịch trên thiết bị di động. Bên cạnh đó, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh tăng cường ứng dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, con người Sóc Trăng đến với du khách trong và ngoài nước…
Đối với lĩnh vực y tế: Sở Y tế đã triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip ở tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; thực hiện số hóa hồ sơ sức khoẻ, bệnh án và các hồ sơ có liên quan lên nền tảng số phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân và phòng, chống dịch bệnh…
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin quản lý ngành giáo dục, bao gồm cơ sở dữ liệu về mạng lưới trường, lớp, học sinh, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị trường học,... kết nối đầy đủ, toàn diện từ Sở GD&ĐT đến Bộ GD&ĐT và Trung tâm Giám sát điều hành tỉnh..
Triển khai lồng ghép vào các môn học mô hình giáo dục tích hợp khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học và nghệ thuật (giáo dục STEM/STEAM); phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp.
Đối với lĩnh vực an sinh xã hội: Sở LĐ-TB&XH đã tiến hành số hóa các hồ sơ, giấy tờ trong đơn vị, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 về các thủ tục hành chính đạt 100% trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, tận dụng kết quả liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, về dân cư, phát triển cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội, thường xuyên cập nhật để tất cả người dân trên địa bàn tỉnh đều được chăm sóc, hỗ trợ tốt nhất để không ai bị bỏ lại phía sau.
PV: Để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Lâm Văn Mẫn: Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới như sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường sự lãnh đạo, phát huy vai trò, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhất quán quan điểm của Nghị quyết số 07.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu đi đầu; vận động các tổ chức, cá nhân nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện.
Tổ chức kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh tổ chức, các nhân thực hiện chưa tốt; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình sáng tạo, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân, góp phần thực hiện thành công tiến trình chuyển đổi số của tỉnh. Tận dụng tối đa cơ hội và huy động mọi nguồn lực để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; cần xác định sớm và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương.
Chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, nhất là trong kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia do bộ, ngành triển khai đưa về Kho dữ liệu tỉnh và chia sẻ đến các cơ quan, đơn vị phục vụ công tác tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong chỉ đạo, điều hành.
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi số. Đồng thời, sớm ban hành cơ chế, chính sách thu hút các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao cống hiến cho tỉnh Sóc Trăng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!