Cảnh sát gọi điện nhắc cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo PCCC
Những ngày cận Tết, Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.HCM gọi điện nhắc nhở các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức nâng cao cảnh giác, chủ động PCCC.
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngoài việc khuyến cáo các biện pháp PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an TP.HCM (PC07) chủ động gọi điện, nhắn tin nhắc các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức về công tác PCCC.
Sau khi nhận được cuộc gọi của Cảnh sát PCCC, nhiều cơ sở đã nâng cao cảnh giác, tăng cường kiểm tra an toàn PCCC.
Đặc biệt, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại gây ra, PC07 khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần tăng cường công tác tuần tra, canh gác / giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để kịp thời phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.
Củng cố hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra;
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy, nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng; thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; tổ chức tốt hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ;
Tìm hiểu các tác nhân gây cháy tiềm ẩn, cài đặt hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động, báo khói và các thiết bị báo cháy khác; Lập và chia sẻ các biện pháp, phương án chữa cháy, thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
Đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy… và biết cách sử dụng những phương tiện này;
Chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng điện tròn, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm…
Các gia đình không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Các khu dân cư mật độ cao, tập trung nhiều nhà có nguy cơ cao xảy ra cháy, UBND địa phương cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm nhiệm vụ và trách nhiệm đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; tổ chức thành lập và vận động quần chúng nhân dân tham gia đội dân phòng và xây dựng các phương án chữa cháy tại các khu dân cư; tổ chức cho đội dân phòng tham gia thực tập giải quyết các tình huống giả định cháy...
Công an cũng khuyến cáo người dân, các hộ gia đình cần nâng cao kiến thức và kỹ năng cơ bản để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Khi xảy ra cháy, người dân phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh; nhanh chóng ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…) đồng thời gọi ngay số điện thoại 114 báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, đồng thời tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn.
TP.HCM hiện có 136.962 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó số cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ là 9.576 cơ sở.
Theo thống kê, hàng năm có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do người dân bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…), chất dễ cháy (xăng dầu, gas, cồn, hóa chất…), sử dụng điện (hệ thống điện, thiết bị điện) không an toàn…