Đời sống

Hàm Rồng – Núi thiêng từ ngàn xưa vọng về

Quốc Huy 10/02/20 11:00

Núi Hàm Rồng, hay còn gọi núi Hạm Long là ngọn núi cuối cùng của dãy núi “chín rồng”. Nơi đây được xem là một trong những “cái nôi” của nhân loại, là long mạch hội tụ linh khí của đất trời, nơi phát tích của bao vị anh hùng dân tộc trong tiến trình lịch sử nước nhà.

Đỉnh thiêng phát tích bao đời

Khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ thuộc vành đai xanh phía Tây Bắc thành phố Thanh Hóa. Nơi đây tích hợp nhiều giá trị văn hóa được các thế hệ người Việt sản sinh, bồi đắp và tô thắm qua hàng nghìn năm lịch sử. Nếu như di tích núi Đọ, thuộc địa phận xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa được xem là một trong những cái nôi của người Việt cổ, thì khu vực Hàm Rồng lại là nơi lưu dấu nhiều giá trị vật thể, phi vật thể của nền văn hóa Đông Sơn - đỉnh cao rực rỡ của văn hóa – văn minh Việt cổ.

nui-ham-rong1.jpg
Ngọn núi cuối cùng có hình như đầu Rồng vươn lên để ngậm hạt Ngọc nên được gọi là núi Hàm Rồng

Núi Hàm Rồng là tên gọi của dãy núi (99 ngọn) kéo dài từ ngã ba Giàng đến làng Đông Sơn (nên còn có tên là núi Đông Sơn). Các dãy núi uốn lượn quây quần bên hữu sông Mã, bên tả có một hòn núi đứng riêng gọi là núi Ngọc (hay núi Nít). Tuỳ theo hình thù và sự tích mỗi ngọn núi đều có tên gọi riêng biệt. Ngọn núi cuối cùng có hình như đầu Rồng vươn lên để ngậm hạt Ngọc nên được gọi là núi Hàm Rồng (tên chữ Hán là Long Hạm).

Dãy núi này uyển chuyển liên tiếp như dạng hình 9 khúc rồng nhấp nhô uốn lượn dài, bao quanh những đồi thông ngút ngàn và những thung lũng thơ mộng, cuối cùng nổi vọt lên một ngọn núi cao, lớp đá chồng chất, trên núi có động Long Quang.

Từ bao đời nay, Núi Hàm Rồng đã trở thành “biểu tượng” văn hóa và lịch sử của người con xứ Thanh. Núi sát bờ sông, trên bờ có mỏm đá nhô ra như hình mũi rồng, cho nên gọi là Long tị. Phía chân núi, có hai lớp đá trồng nhau như hàm rồng, đó là Long hàm. Nếu đứng từ phương bắc nhìn toàn thể, núi trông giống như đầu rồng đang uống nước.

Tương truyền rằng, núi Hàm Rồng vốn là chỗ ở của các vị thần trên thượng giới. Nhưng quả núi này chân không gắn chặt với đáy biển, cứ bồng bềnh trên mặt nước. Thượng đế phải sai mấy con ngao đến đội núi lên để giữ cho vững. Tuy nhiên, xung quanh vẫn còn là biển lớn, nên Thượng đế lại sai những con kình quẫy khúc làm cho nổi đất lên, còn một ít chỗ không lấp hết trở thành ao.

Nguyễn Trãi đã mượn sự tích này trong bài thơ “Long Đại nham”, đề tại cửa động Long Quang như sau:

“Ngao nổi đội non, non có động

Kình bơi lấp biển, biển thành ao”

nui-ham-rong3.jpg
Đền thờ bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa được tọa lạc nơi lưng chừng núi

Một truyền thuyết khác giải thích về việc hình thành núi non Hàm Rồng: Vợ chồng nhà Vồm chiến đấu với tướng nhà Trời để đòi Ngọc Hoàng làm mưa. Kết quả các tướng đều bị đánh bại nên đành nằm lại quanh núi Hàm Rồng. Tướng Đại Bàng hóa thành núi Bằng Trình, 5 tướng Phượng Hoàng hóa thành núi Ngũ Phụng (núi Rừng Thông), Rồng Lửa bị chặt thành khúc hóa thành dãy núi Rồng, viên ngọc lửa hóa thành núi Ngọc (núi Nít)...

Không làm gì được Vồm, Trời đành chịu nhún, sai thần Long Mã đi làm sông. Thần Long Mã vốn chơi thân với Rồng Lửa nên quấn quýt lấy núi Rồng, chân đặt tới đâu nước tràn tới đó hóa thành sông Mã. Từ đó, con sông Mã luôn uống quanh, bao bọc lấy núi Hàm Rồng để cung cấp nước và bồi đắp phù sa cho dân làng.

Nhờ linh khí hội tụ nên vùng đất xứ Thanh được xem là nơi phát tích của các đời vua chúa, có thể kể đến như: Bà Triệu (huyện Yên Định), Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ (Ái Châu, Thanh Hóa), Lê Đại Hành (Ái Châu, Thanh Hóa), Hồ Quý Ly (Đại Lai, Thanh Hóa), Lê Thái Tổ (làng Chủ Sơn, Thanh Hóa), Hoàng tộc Nguyễn (Hà Trung, Thanh Hóa), Chúa Trịnh Kiểm (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)…

Nét đẹp văn hóa, lịch sử xứ Thanh

Nằm trong dải núi Hàm Rồng có Động Long Quang, là nơi danh thắng đã níu chân nhiều thi sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông và nhiều văn sĩ khác đã có thơ lưu lại nơi đây. Cửa động có lối vào hai bên, hình như hai mắt rồng, mà thường gọi là Long nhãn.

Dưới chân núi Hàm Rồng, ngược lên theo bậc đá dốc chừng 30m thì tới cửa Động Tiên Sơn. Động có 3 - 4 tầng thường được gọi là động 1, động 2, động 3. Trong mỗi động có nét đẹp độc đáo riêng. ở đây nhũ đá tạo hình tuyệt đẹp gắn với những truyền thuyết như tích Phật, tích Tiên, "Hoa quả sơn", "Hội bàn đào tiên"... Từng vách đá, từng ngách hang đâu đâu cũng thấy như trăm ngàn vạn vật đang được sinh ra.

Bao quanh Hàm Rồng là dòng sông Mã mềm mại uốn quanh. Sự tích núi Rồng gắn liền với sự tích sông Mã, núi do “Rồng thiêng” mà thành, sông bởi “Ngựa thần” mà nên. Đây là dòng sông quanh co uốn khúc và có lắm thác ghềnh, nhưng cũng mang nặng phù sa đắp bồi cho đồng bãi. Sông Mã chảy đến đâu cũng tạo nên phong cảnh đẹp. Sông chảy qua núi, núi thành danh lam thắng tích, chảy qua đồng ruộng, xóm làng, đồng ruộng, xóm làng trở nên thắng cảnh.

nui-ham-rong2.jpg
Cầu Hàm Rồng như chàng lực sĩ gồng lên vai gánh bổng hai hòn núi Ngọc, đầu rồng, để núi và sông mãi mãi lung linh trong trời huyền thoại

Trải dài theo tiến trình lịch sử, hình ảnh Sông Mã, núi Hàm Rồng, cầu Hàm Rồng đã trở thành biểu tượng của người dân xứ Thanh. Đặc biệt là những năm kháng chiến chống quân xâm lược. Hình ảnh những cô du kích Nam Ngạn anh dũng kiên cường không chịu khuất phục trước làn mưa bom bão đạn của kẻ thù giống như núi Hàm Rồng sừng sững hiên ngang giữa đất trời.

Theo tài liệu, năm 1899 sau khi bình định xong nước ta, chính quyền thuộc địa Pháp quyết định đặt đường ray xe lửa đi qua hai bờ sông Mã bằng chiếc cầu sắt treo lơ lửng trên sông như nối “đầu Rồng” với “mắt Ngọc” làm cho cảnh trí nơi đây trở thành tuyệt tác.

Năm 1947, thi hành chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” nhân dân Thanh Hoá tạm thời “hạ cầu treo Hàm Rồng xuống dòng sông Mã” biểu thị quyết tâm cao đi vào cuộc kháng chiến “trường kỳ gian khổ”. Ngày 26/11/1962, cầu Hàm Rồng được quyết định khởi công xây dựng lại. Đúng vào ngày 19 /5/1964, cầu Hàm Rồng mới được khánh thành. Trụ của cầu trông giống như chàng lực sĩ gồng lên vai gánh bổng hai hòn núi Ngọc, đầu rồng để núi và sông mãi mãi lung linh trong trời huyền thoại.

Với sự kết hợp không thể tách rời giữa sông Mã, Núi Hàm Rồng và Cầu Hàm Rồng đã trở thành nét văn hóa lịch sử tâm linh không chỉ của riêng Thanh Hoá. Ở đây còn có làng cổ Đông Sơn, một làng quê ấy xuất hiện từ thuở Hùng Vương. Tại đậy, khảo cổ học đã phát hiện được các di vật tiêu biểu của thời đại đồng thau, đặc biệt với “trống đồng Đông Sơn” mang phong cách nghệ thuật riêng biệt toả ánh hào quang của “văn hoá Đông Sơn” trên bầu trời Đông - Nam Á.

Quốc Huy