Đời sống

Xin chữ, cho chữ: Nét văn hóa của sự trọng chữ nghĩa

N.T.D 10/02/20 21:00

Xin chữ, cho chữ là một phong tục truyền thống đã có từ lâu mỗi dịp Tết đến xuân về của người Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn gốc và ý nghĩa của hình ảnh những ông đồ "áo dài, khăn đóng" cho chữ thì không phải ai cũng hiểu rõ.

Hình ảnh “ông đồ” từ xa xưa đã gắn với bao thế hệ người Việt Nam. Đó là một hình ảnh đẹp, hình ảnh về người thầy đồ cho chữ mỗi độ Tết đến, xuân về.

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”…

(Những câu thơ trong bài “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên)

Từ ngàn xưa, chữ viết đã luôn luôn được người dân Việt coi trọng và gìn giữ… Ngày xuân năm mới, đối với người Việt - là ngày khởi đầu tốt đẹp với mong muốn một năm mới vạn sự như ý.

uqefwge.jpg
Ảnh minh họa.

Chính vì lẽ đó ai ai cũng mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn.

Tục xin chữ - cho chữ cũng bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng nét chữ đẹp, nên ngày xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang.

Đây là nét văn hóa có từ lâu đời thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc và bình an.

Ngày xưa, để xin chữ thầy đồ, người xin phải sắm một lễ mọn, thành tâm đến nhà. Người cho chữ cũng luôn phải trang nghiêm, tôn kính đạo học, không cho phường “thích làm sang”, chỉ cho người trọng chữ. Việc xin chữ, cho chữ cẩn trọng đến độ nó như thành một nghi thức không thành văn.

Về sau, phong tục tốt đẹp này càng phổ biến. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt, con cái đầy nhà.

Người cho chữ là ông đồ túc nho và người xin chữ thường là những chủ nhà cầu mong những tin mừng cùng những vận hội mới trong cuộc đời. Đặc biệt là những nhà có người theo học, mong được con chữ của Thánh hiền, giáng ứng cho may mắn trong học hành thi cử.

Ngày nay, việc xin chữ cũng không còn nặng nghi lễ như thuở xưa. Tuy nhiên, hình ảnh người viết câu đối, người viết lời chúc, người viết chữ… đủ các kiểu hành, chân, triện, lệ… đủ các chất liệu giấy, gỗ, trúc, tre…; người xếp hàng, ngồi ghế chờ đến lượt, trân trọng cầm tờ giấy còn ướt mực, ngắm nét chữ “phượng múa, rồng bay” cũng đủ là một hình ảnh đẹp đẽ, rực rỡ ngày đầu xuân năm mới.

Người xưa có câu “nhất tự thiên kim” tức “một chữ đáng nghìn vàng”. Hơn thế nữa, người xưa đã từng nói “cho bạc, cho vàng không bằng chỉ nẻo, chỉ đàng cho đi”.

Xin chữ cũng chính là xin nẻo, xin đàng đi đúng hướng để công thành, danh toại.

Cho chữ đầu năm đó còn là một mong ước đi đúng đường, đúng lối, thuận buồm xuôi gió cũng như sự hanh thông, tài lộc suốt một năm. Người cho chữ cũng phải có tâm và có tầm, hiểu được ý nghĩa của từng con chữ mới có thể chỉ đúng đường, đúng lối cho người xin chữ đạt được ước nguyện được gửi gắm qua từng nét bút.

N.T.D