Kinh tế

Phát triển bền vững: Xu thế của doanh nghiệp

Tuấn Dũng + Tuyết Nhung 10/02/20 :14

Phát triển bền vững là một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày càng được cụ thể và rõ nét. Phát triển bền vững, mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp của quá trình phát triển. Phát triển bền vững là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Đối với doanh nghiệp kinh doanh, phát triển bền vững có nghĩa là áp dụng các chiến lược và hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các bên liên quan hiện tại

1(3).png

Phát triển bền vững là một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày càng được cụ thể và rõ nét. Phát triển bền vững, mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp của quá trình phát triển. Phát triển bền vững là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Đối với doanh nghiệp kinh doanh, phát triển bền vững có nghĩa là áp dụng các chiến lược và hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và các bên liên quan hiện tại như khách hàng, người lao động... đồng thời bảo vệ, duy trì và tăng cường nguồn nhân lực cùng tài nguyên thiên nhiên sẽ cần trong tương lai. Định nghĩa về thành công của doanh nghiệp ngày nay đã thay đổi khi xã hội không chỉ nhìn vào các chỉ số kinh tế, mà còn nhìn vào những yếu tố của doanh nghiệp đó có ảnh hưởng như thế nào đến bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội, cùng lợi ích cộng đồng. Để có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này, PV Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD - VCCI).

PV: Thưa ông, xu thế chuyển đổi xanh có phải xu thế toàn cầu? Nó có phù hợp hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam hay không?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Đúng vậy, chuyển đổi xanh đang ngày càng gia tăng, thậm chí trở thành một cuộc đua âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt giữa các nước trên thế giới và của cả các nước trong khu vực. Sự chuyển đổi đó thể hiện ở các cam kết mạnh mẽ của các Chính phủ về Net Zero, về tài chính xanh, về năng lượng sạch; thể hiện ở nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ cho phát triển bền vững; thể hiện ở hàng nghìn giải pháp mới được khai sinh từng ngày để giải quyết các thách thức toàn cầu; và thể hiện ở chính sự chuyển đổi trong tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp.

Một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu, đang tiên phong đầu tư mạnh mẽ cho kinh doanh bền vững, bắt kịp với xu thế toàn cầu.

Điển hình như Vinamilk có trang trại và nhà máy đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế và đã công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050; Traphaco, thông qua dự án GreenPlan, sáng tạo mô hình liên kết 4 nhà (mô hình kinh tế bao trùm) bao gồm: nhà nước (chính quyền) - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, qua đó không chỉ giúp công ty tự chủ về nguyên liệu sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế mà còn tác động tích cực tới cộng đồng yếu thế, tạo công ăn việc làm, xóa nghèo bền vững; PNJ tiên phong tích hợp chiến lược ESG vào chiến lược phát triển tổng thể của doanh nghiệp và đưa ra cam kết không ngừng cải thiện và tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn ESG; hay Tập đoàn PAN và UBND Tỉnh Đồng Tháp đã ký kết Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”, và mới đây tại Hội nghị COP 28, Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ để thúc đẩy khả năng tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính dựa trên các yếu tố ESG, qua đó hỗ trợ DN theo đuổi các mục tiêu PTBV. Đây cũng là các DN thành viên tích cực của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) được VCCI thành lập theo phê duyệt của Chính phủ từ năm 2010.

PV: Ông có thể chia sẻ thêm về một số xu thế phát triển bền vững trên thế giới? Hiện nay, khái niệm “kinh tế tuần hoàn” được nhắc đến khá nhiều, theo ông “kinh tế tuần hoàn” có phải lời giải cho sự phát triển bền vững?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Khi câu chuyện phát triển bền vững đã không còn là một sự lựa chọn, mà đã trở thành con đường duy nhất, thì cộng đồng DN thế giới cũng đang chuyển động mạnh mẽ, tạo ra những xu thế mới hướng tới phát triển bền vững. Có thể kể đến một số xu thế điển hình như doanh nghiệp tích cực củng cố nguồn vốn con người hơn, xu thế này được đẩy mạnh hơn từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thúc đẩy DN nhìn nhận chính xác vai trò của nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn, năng lực, kĩ năng mới là trung tâm tạo ra giá trị lâu dài cho mỗi doanh nghiệp.

Thứ hai là xu thế xây dựng văn hóa đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DE&I); đây là một trong những chiến lược quan trọng khi doanh nghiệp đầu tư cho nguồn vốn con người. Thông qua DE&I, doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả kinh tế, thu hút và giữ chân nhân tài tốt hơn, cũng như vận hành hiệu quả hơn trong dài hạn.

Thứ ba là xu thế ban lãnh đạo doanh nghiệp thẩm thấu tư duy quản trị theo định hướng ESG. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đầu tư cho phát triển bền vững qua những hành động cụ thể như xây dựng riêng phòng ban, thuê những nhân sự chuyên về phát triển bền vững. Điều này rất thiết thực, rất cần thiết và rất tốt.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (board) cần phải là bộ não tinh nhuệ nhất, thẩm thấu, hiểu rõ con đường doanh nghiệp cần đi để phát triển bền vững, từ đó mới có thể lan tỏa tinh thần, tư duy, chiến lược đến những bộ phận triển khai.

Thứ tư là xu thế công bố minh bạch thông tin của doanh nghiệp thông qua lập và công bố báo cáo bền vững, báo cáo theo khung ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị). Theo kết quả một số khảo sát gần đây của công ty Ernst & Young, 98% nhà đầu tư được hỏi cho biết họ đánh giá các kết quả phi tài chính dựa trên thông tin doanh nghiệp công bố; 91% nhà đầu tư cho biết các kết quả phi tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư của họ.

Thứ năm là xu thế lồng ghép vấn đề tự nhiên và đa dạng sinh học vào các mục tiêu về khí hậu. Biến đổi khí hậu gây ra những hệ lụy tiêu cực đến sự sống của những loài đang gặp rủi ro và ngược lại bảo tồn đa dạng sinh học có thể giảm thiểu biến đổi khí hậu; do đó đây là một xu thế tiên tiến mà các DN hàng đầu của thế giới đang rất quan tâm.

Và một xu thế điển hình rất nổi bật khác mà bạn cũng đã nhắc đến, đó chính là chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Theo tính toán, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể đem lại mức tăng trưởng trị giá 4.5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, và hỗ trợ thực hiện 10/17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Đây rõ ràng là một mô hình kinh tế rất ưu việt, một trong những giải pháp tối ưu để hiện thực hóa các mục tiêu SDGs của toàn nhân loại. Nhưng không một bên nào có thể một mình hiện thực hóa mô hình ưu việt này, do đó thách thức lớn nhất và cũng là yếu tố cốt lõi cho sự thành công của KTTH chính là sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ, hành động tập thể của tất cả các bên liên quan.

PV: Ông đã nhắc đến sự chuyển đổi. Theo ông, đâu là mấu chốt cho sự thành công của quá trình chuyển đổi này của doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Khi nhìn vào những DN thành công với chiến lược kinh doanh bền vững mà tôi nêu trên đây, có thể thấy một điểm chung của các DN này nằm ở chính tư duy của nhà lãnh đạo có sự cam kết mạnh mẽ với PTBV và công ty sở hữu nền tảng quản trị doanh nghiệp bài bản – đây cũng chính là nhân tố giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín, giữ chân khách hàng và thu hút đầu tư tốt hơn.

Với hơn 96% DN trong nước là DN VVN có nguồn lực hữu hạn và chưa có sự quan tâm, đầu tư đầy đủ cho công tác quản trị doanh nghiệp, điều này phần nào tạo ra rào cản cho chính các DN khi theo đuổi chiến lược PTBV, cũng như tiếp cận nguồn tài chính xanh.

Để “gỡ bỏ” rào cản đó, VCCI, với hạt nhân là VBCSD, đã tiên phong khởi xướng xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) từ năm 2014 và triển khai thường niên Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam từ năm 2016 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Chương trình CSI không chỉ dừng lại ở phạm vi tìm kiếm, biểu dương các DN PTBV xuất sắc tại Việt Nam, mà thông qua đó, VCCI muốn thúc đẩy DN thực hiện kinh doanh bền vững nói chung, thúc đẩy trách nhiệm giải trình và thực hành quản trị DN bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI nói riêng. Bộ chỉ số CSI tập hợp một danh mục các chỉ số về quản trị doanh nghiệp, môi trường, và lao động, xã hội phù hợp với pháp luật hiện hành trong nước, các tiêu chuẩn quốc tế và luôn được cập nhật hàng năm.

Khi áp dụng Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp sẽ tự tổng hợp thông tin theo hướng dẫn, từ đó có thể tự đánh giá tổng quát “sức khỏe” của mình, cũng như các tác động tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp, qua đó xây dựng kế hoạch hành động phù hợp. Đồng thời, CSI sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc lập và công bố thông tin DN.

Khi thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, làm tốt công tác tổng hợp và báo cáo thông tin minh bạch, doanh nghiệp có thể tự mình mở ra cánh cửa đến với các nhà đầu tư và thị trường quốc tế rộng lớn.

PV: Theo ông, trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta cần làm gì để hương tới sự phát triển bền vững lâu dài?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Đầu tiên là phải chuyển đổi tư duy, bởi làm PTBV cần xuất phát từ thay đổi đồng bộ trong tư duy, từ đó thực hiện chuyển đổi hệ thống. DN cần chuyển đổi từ tư duy kinh doanh truyền thống sang kinh doanh xanh thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải carbon...

2(1).png

Thành công của DN không còn chỉ căn cứ trên tiêu chuẩn doanh thu, lợi nhuận, lợi ích cổ đông, mà là PTBV cân bằng chiếc kiềng ba chân là kinh tế - xã hội – môi trường. Thành công còn bao gồm cả khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ, hay gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.

Thứ hai là chuyển đổi chuỗi giá trị. DN chỉ có thể hiện thực hóa các mục tiêu PTBV khi xây dựng được một hệ sinh thái bền vững thông qua tăng cường sự tham gia và nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp, các bên liên quan trong chuỗi giá trị của DN.

Thứ ba là thúc đẩy chuyển đổi kép. Chuyển đổi số, phát triển các giải pháp công nghệ mới cần song hành, bổ trợ cho chuyển đổi xanh.

Thứ tư là thúc đẩy trách nhiệm giải trình. Như tôi đã chia sẻ, để làm được điều này, DN Việt cần quan tâm, chú trọng hơn đến cải thiện hoạt động quản trị DN bền vững. Và áp dụng Bộ chỉ số CSI chính là một trong những giải pháp tối ưu, giúp tiết kiệm nguồn lực, chi phí cho hoạt động quản trị DN của chính các DN nước nhà.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./ .

Nội dung & thực hiện: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.

Đồ họa: Tuấn Dũng.

Tuấn Dũng + Tuyết Nhung