Văn hóa- Thể thao

Ngày xuân thăm biểu tượng hiếu học của Hưng Yên

N.T.D 12/02/20 - :37

Văn miếu Xích Đằng hay còn gọi Văn miếu Hưng Yên, một di tích quan trọng trong Quần thể di tích Phố Hiến (Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Đây là nơi tôn vinh nền học vấn, triết lý bất hủ của dân tộc "hiền tài là nguyên khí quốc gia", trở thành một biểu tượng của văn hóa, văn hiến tỉnh Hưng Yên.

Trong không khí của một mùa xuân mới, hãy cùng khám phá một Văn miếu khác của Việt Nam ngoài Văn miếu Quốc Tử Giám đã khá nổi tiếng.

Văn miếu Xích Đằng được khởi dựng từ thế kỷ 17 (thời hậu Lê) với quy mô ban đầu chỉ tương đối. Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839) triều Nguyễn cho xây dựng lại văn miếu với quy mô bề thế như hiện nay. Dấu tích còn lại là 2 mộ tháp đá: Phương Trượng Tháp và Tịnh Mãn Tháp. Từ khi hình thành đến hết giai đoạn nhà Nguyễn, văn miếu Xích Đằng vừa là nơi tổ chức các kỳ thi tuyển, vừa là nơi bái tế các bậc hiền nho vào mỗi dịp “xuân thu nhị kỳ” hàng năm.

Trải qua thăng trầm lịch sử, văn miếu Xích Đằng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1992. Đây là một trong 6 văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay của đất nước, và là một trong 2 văn miếu lâu đời nhất, đứng sau văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội.

Sau ngày tái lập tỉnh Hưng Yên năm 1997, để nối tiếp truyền thống xưa, văn miếu Xích Đằng tiếp tục là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, giáo dục như: Triển lãm thư pháp, hát ca trù đầu xuân, tổ chức ngày thơ Việt Nam, vinh danh học sinh đỗ đạt cao, có thành tích học tập tốt...

Ngày nay, văn miếu Xích Đằng thờ Khổng Tử, người được suy tôn là “vạn thế sư biểu”, và các bậc chư hiền của Nho gia. Riêng nhân vật được đặt thờ ngay chính giữa khu đại bái của văn miếu là Chu Văn An, người thầy giáo mẫu mực thời Trần.

img_4137.jpg
Đường vào Văn miếu Xích Đằng tại đoạn đầu Đường Văn Miếu, thuộc phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
img_4342.jpg
Khuôn viên văn miếu trải rộng gần 6ha, phía trước là đầm Vạc, bên cạnh phía tây là hồ Văn. Toàn cảnh các hạng mục công trình được bố trí đồng bộ và liền mạch.
img_4336.jpg
Cổng Tam quan hay còn gọi Nghi môn văn miếu Xích Đằng, được xây dựng đồ sộ theo lối kiến trúc chồng diêm, hai tầng tám mái có lầu gác. Hai bên tam quan có hai bục loa, dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi trước đây.
img_4335.jpg
img_4138.jpg
Phía trong là khoảng sân rộng, giữa sân là đường thập đạo, hai bên có lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả vu, hữu vu. Hai dãy nhà này hiện được dùng để trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến giáo dục và các di tích lịch sử của tỉnh Hưng Yên.
img_4334.jpg
Khu nội tự văn miếu Xích Đằng được xây kiểu chữ Tam, gồm: tiền tế, trung từ và hậu cung, kiến trúc giống nhau theo kiểu vì kèo trụ trốn. Hệ thống mái theo kiểu “trùng thiềm địa ốc”. Nội thất tỏa sáng với hệ thống các đại tự, câu đối, cửa võng và các cột kèo sơn son thếp vàng.
img_4294.jpg
img_4307.jpg
Du khách thăm Văn miếu dịp đầu xuân.
img_4295.jpg
Nơi đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động đầu xuân như xin chữ, cho chữ, viết thư pháp,...
img_4311.jpg
img_4279.jpg
Nối tiếp truyền thống xưa, lễ hội Văn Miếu ở Hưng Yên ngày nay cũng được tổ chức “xuân thu nhị kỳ” vào ngày /1 và /8 âm lịch hàng năm, với các hoạt động tế lễ, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, và phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ.
img_4168.jpg
sewgewgew.jpeg
Hiện vật quý giá nhất là 9 tấm bia văn miếu Xích Đằng, trong đó 8 bia được lập năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) và một bia được lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943). Trên các bia đá ghi danh các vị đỗ Đại khoa (của hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình) thuộc các triều đại Trần, Mạc, Lê, Nguyễn. Đây là di tích minh chứng cho truyền thống hiếu học của địa phương. Ngoài ra, hai chiếc chuông và khánh đá của văn miếu Xích Đằng cũng là di vật cổ được đúc từ thế kỷ 18.

N.T.D