Xét xử nghiêm minh, vì bình yên nơi bản làng
“Tại các phiên tòa xét xử hình sự vụ án ma túy, ngoài việc đưa ra những bản án nghiêm khắc cho đối tượng mua bán ma túy, HĐXX cũng thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền tác hại của ma túy, cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con dân tộc thiểu số, làm thay đổi nhận thức của người dân…” - Thẩm phán Lương Long Bình, Chánh án TAND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ.
Nhân dịp năm mới Xuân Giáp Thìn 20, Báo Công lý đã có buổi trò chuyện thân mật với Thẩm phán Lương Long Bình, Chánh án TAND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La về quá trình xét xử các vụ án ma túy trên địa bàn, mang lại bình yên cho bản làng.
PV: Thưa Chánh án, thời gian qua, đơn vị đã đưa xét xử bao nhiêu vụ án về ma túy. Chánh án đánh giá như thế nào về con số này?
Chánh án Lương Long Bình: Trong năm 2023, tổng số các vụ án hình sự TAND huyện Mộc Châu đã thụ lý và xét xử là 233 vụ/ 295 bị cáo. Trong số 233 vụ/295 bị cáo thì có tới 191 vụ/ 218 bị cáo phạm tội ma túy, số tội phạm về ma túy chiếm tỷ lệ lớn 82% tổng số án hình sự đơn vị đã thụ lý và giải quyết. Số tội phạm về ma túy có xu hướng tăng, năm 2023 tăng 33 vụ, 38 bị cáo so với năm 2022.
PV: Thông qua hoạt động xét xử, ông có nhận định gì về tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn của đơn vị mình thưa Chánh án?
Chánh án Lương Long Bình: Tội phạm ma túy mà TAND huyện Mộc Châu xét xử trong năm vừa qua chủ yếu vẫn là các tội tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên hiện nay, tội phạm ma túy sử dụng thủ đoạn phạm tội tinh vi hơn, như việc các đối tượng sử dụng công nghệ như ZALO, Facebook… các mạng xã hội để trao đổi giao dịch, phương thức thanh toán cũng thanh toán qua tài khoản ngân hàng rất nhanh chóng và khó phát hiện. Bên cạnh đó, các bị cáo phạm tội cũng có chiều hướng trẻ hóa, do đua đòi tụ tập ham chơi dẫn đến nghiện chất ma túy và phạm tội. Địa bàn hoạt động của các đối tượng chủ yếu tập trung vào tuyến biên giới giáp ranh giữa huyện Mộc Châu và huyện Sốp Bâu (tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) tại 3 xã biên giới là Lóng Sập, Chiềng Khừa, Chiềng Sơn của huyện Mộc Châu.
PV: Theo tìm hiểu, tội phạm ma túy ở các địa bàn của các huyện, tỉnh giáp biên giới thường là người dân tộc thiểu số. Vậy theo Chánh án nguyên nhân nào khiến họ vướng vào con đường này?
Chánh án Lương Long Bình: Trong tổng số 218 bị cáo mà Tòa án đã xét xử năm 2023 có tới 170 bị cáo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 78 %, chủ yếu là người dân tộc Mông, dân tộc Thái. Nguyên nhân dẫn tới việc người dân tộc thiểu số phạm tội ma túy là do trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết; hơn nữa việc mua bán ma túy tại các vùng biên giới dễ dàng hơn do công tác quản lý tại các khu vực biên giới rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc đồng bào dân tộc thiểu số sống tại khu vực biên giới thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trong khi lợi nhuận từ việc mua bán chất ma túy là rất cao, do đó vì hám lợi nên nhiều đối tượng đã phạm tội.
PV: Ngoài việc xét xử các vụ án theo đúng quy định của pháp luật, Chánh án cho biết thêm về tình hình phổ cập kiến thức pháp luật tới bà con dân tộc thiểu số hiện nay thưa ông?
Chánh án Lương Long Bình: Thông qua các phiên tòa xét xử hình sự, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật thì Hội đồng xét xử cũng thường xuyên lồng ghép việc tuyên truyền tác hại của ma túy cũng như chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con dân tộc thiểu số khi tham gia phiên tòa, góp phần phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con. Tòa án cũng phân công cán bộ là người dân tộc tiến hành tố tụng đối với các vụ án có bị cáo là người dân tộc thiểu số. Ngoài việc tổ chức xét xử tại trụ sở, Tòa án đã tổ chức các phiên tòa giả định, các phiên tòa xét xử lưu động về tội phạm ma túy tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Trong năm 2023, Tòa án đã tổ chức được 11 phiên tòa xét xử lưu động về tội phạm ma túy, đã phối hợp với Ban tuyên giáo huyện ủy, Trung tâm văn hóa huyện để đưa tin trước, trong và sau phiên tòa đến bà con dân tộc thiểu số để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Tòa án đã tiến hành công bố đầy đủ các bản án hình sự, nhất là các bản án liên quan đến tội phạm ma túy trên cổng thông tin điện tử cũng góp phần rất lớn vào việc phổ cập kiến thức pháp luật tới bà con nhân dân. Tuy nhiên do trình độ hiểu biết, cũng như hoàn cảnh kinh tế của bà con dân tộc thiểu số dẫn đến việc tiếp cận các quy định của pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng còn rất hạn chế.
PV: Theo Chánh án, ngoài việc tuyên truyền kiến thức pháp luật, thì chúng ta cần thêm những biện pháp nào để giúp giảm tội phạm ma túy hiện nay?
Chánh án Lương Long Bình: Theo tôi, song song với việc tuyên truyền kiến thức pháp luật, để giảm tội phạm ma túy trong thời gian tới cần làm tốt các biện pháp sau:
Đối với Tòa án cần tiến hành xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với tội phạm ma túy.
Đối với các cơ quan, ban ngành thì cần tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân được nâng lên. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, của người dân trong công tác tự giác, tự quản, tố giác tội phạm liên quan đến ma túy. Kịp thời nêu gương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống ma túy ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống và kiểm soát ma túy, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
PV: Xin cảm ơn ông! Kính chúc ông và gia đình một năm mới vui vẻ, an khang thịnh vượng!