Môi trường

Rừng trâm bầu gần 500 tuổi được giữ như ‘báu vật’ của làng ven biển

Minh Phương 13/02/20 :56

Là “bức bình phong” che chở cho dân làng trước thiên tai khắc nghiệt của thời tiết, bao đời nay, rừng trâm bầu nguyên sinh gần 500 tuổi ở làng ven biển Thanh Bình (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được người dân nối tiếp nhau gìn giữ như “báu vật” chung.

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 20, dẫn chúng tôi đi dọc theo cánh rừng trâm bầu cổ thụ xanh ngát chạy dọc theo bờ biển thôn Xuân Hòa đến thôn Xuân Kiều, xã Quảng Xuân, ông Dương Văn Hài (68 tuổi) phụ trách tổ bảo vệ rừng cho biết: “Giữ rừng trâm bầu là giữ không gian sống, là câu nói nhắc nhau để mọi người cùng bảo vệ “lá phổi xanh” của làng Thanh Bình. Bởi rừng đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân nơi đây”.

z57258819196_87e64f1fca8044116564669fcc02e3.jpg
Nhiều cây trâm bầu ở đây như cây cổ thụ, tám lá sum suê.

Vào mùa hè, lớp lớp tán trâm bầu xanh ngát làm dịu đi cái nắng oi bức, chống cát bay, cát lấp, tạo không khí trong lành, không gian xanh mát, là điểm nghỉ ngơi, vui chơi của không chỉ người dân địa phương mà còn thu hút nhiều bạn trẻ gần xa đến check-in, chụp ảnh lưu niệm. Dưới tán trâm bầu, nhiều câu chuyện về lịch sử, nét đẹp văn hóa của làng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

z572696508_2ea2ce282e21065e36beddd84bf61f.jpg
Nhiều cây trâm bầu ở đây lâu năm nên rêu mốc mọc xù xì, có màu xanh sẫm, nhiều gốc có đường kính khá lớn.

Theo các cụ cao niên và sử sách ghi chép lại, cụ tổ của làng Dương Phúc Thái sau khi hoàn thành nghĩa vụ sung quân phía Bắc sông Gianh thuộc thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh đã dẫn toàn bộ con cháu và một số họ khác tìm nơi lập làng.

Thấy khu vực này có địa thế đẹp, sau lưng là biển, lại có rừng trâm bầu che chắn, trước mặt bằng phẳng nên cụ đã chọn làm nơi an cư, lập nghiệp. Và từ đây, nối tiếp bao thế hệ người làng Thanh Bình đã và đang gìn giữ và bảo vệ rừng trong suốt gần 500 năm qua.

z57259470832_003c2047aea48d31b412358e01b31e.jpg
Hai bác bảo vệ giữ “lá phổi xanh” của làng Thanh Bình làm vì đam mê.

Theo quan sát của phóng viên, rừng ở đây được bao bọc phía biển là dãy phi lao, đến rừng trâm bầu, nhiều cây ở đây lâu năm nên rêu mốc mọc xù xì, có màu xanh sẫm, nhiều gốc trâm bầu ở đây có đường kính từ 30-50cm, một số gốc lớn trên 80cm, chiều dài cánh rừng hơn 3km, rộng khoảng 400m. Nhìn từ trên cao, rừng trâm bầu tạo thành một mảng xanh, trải dài ngút tầm mắt che đồi cát trắng xóa phía dưới. Đặc biệt ở đây có rất nhiều loài chim về trú ngụ, làm tổ, sinh đàn phát triển theo mùa.

z57260444298_fd853390698b0a388a53bd20de490dcf.jpg
Nối tiếp bao thế hệ người làng Thanh Bình đã và đang gìn giữ và bảo vệ rừng trong suốt gần 500 năm qua.

Vào mùa mưa bão, rừng trâm bầu có thêm nhiệm vụ che chắn gió bão cho làng, chống sóng biển xâm thực bờ. Như thời điểm tháng 9/2017, bão số 10 với cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-, sóng biển cao từ 3-5m kết hợp nước biển dâng gây nhiều thiệt hại cho các địa phương ven biển. Tuy nhiên, ở làng Thanh Bình, số nhà dân bị tốc mái, hư hỏng, cây xanh gãy đổ rất ít.

z57265894990_0c73b19b4cb2805d4344c36cb294185e.jpg
Ông Dương Văn Hài chỉ tay về cánh rừng trâm bầu nguyên sinh được người dân giữ như ‘báu vật’ của làng ven biển Thanh Bình.

Do đó, từ nhiều năm nay, rừng trâm bầu được xem là “bức bình phong” che chở cho dân làng biển thanh Bình qua bao thế hệ. Hơn thế, dòng nước ngầm ở vùng đất này cũng chưa bao giờ cạn hay bị nhiễm phèn, chua mặn như ở các làng xung quanh.

Thấy rõ nhiều lợi ích từ cánh rừng trâm bầu mang lại nên các thế hệ người dân thôn Thanh Bình ra sức giữ rừng. Cũng từ đó, thôn cũng đặt ra quy định giữ rừng. Theo đó, 5 xóm trong thôn sẽ chọn ra 5 người có uy tín vào đội giữ rừng, sau đó sẽ cử 1 người làm tổ trưởng phụ trách tổ bảo bảo vệ rừng. Theo hương ước của thôn, ai chặt cây, phá rừng sẽ bị bêu, phạt thóc sung công.

z57259109577_d656850c81d8b95dbf87b0e4bef0fc79.jpg
Dưới tán rừng, có khá nhiều thảm thực vật phong phú.

Để giữ rừng, dân làng ven biển Thanh Bình quy định hương ước góp thóc để trả công cho đội bảo vệ 5 người. Mỗi năm hai vụ, mỗi bảo vệ được nhận 800kg thóc, quy ra tiền khoảng 4 triệu đồng. "Khoản tiền chỉ là nguồn động viên. Với anh em chúng tôi, rừng như là mạch sống, là bạn, công việc chỉ vì đam mê", ông Đặng Tư Thoan (62 tuổi) thành viên tổ bảo vệ tâm sự.

z57408676638_26585767aee9ce3d289de845576549.jpg
Rừng trâm bầu đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân làng ven biển Thanh Bình.

“Rừng trâm bầu là tài sản chung nên trách nhiệm giữ rừng là của tất cả dân làng. Hơn nữa, loài cây này gắn bó mật thiết với người dân từ thủa các bậc tiền nhân lập làng nên việc bảo vệ rừng luôn được mọi người hết sức coi trọng, chung tay thực hiện. Cùng với đó, thôn cũng có những quy định cụ thể, nghiêm ngặt để bảo vệ và phát triển cánh rừng trâm bầu để không gian xanh này không bị xâm hại, bảo vệ đời sống của bà con”, Trưởng thôn Dương Bình Sơn khẳng định.

z57264444750_f397d0c440e0f96a20c9f28a4455bc07.jpg
Một góc rừng trâm bầu ở làng ven biển Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Ông Phạm Hồng Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Trạch đánh giá, người dân Thanh Bình đồng lòng giữ cánh rừng trâm bầu nhiều năm qua, mang lại nhiều lợi ích về phòng hộ, sinh thái, giữ gìn nguồn nước... Đây là một trong số rất ít cánh rừng nguyên sinh đang được gìn giữ xanh tốt ở vùng ven biển Quảng Bình hiện nay.

Cây trâm bầu có tên khoa học là Combretum quadrangulare Kurz, thuộc cây thân gỗ cao khoảng 3-12m, phân bố chủ yếu ở miền Nam và miền Trung. Quả mọc chi chít đầu ngọn cây, trái nhỏ bằng đầu ngón tay, ăn có vị ngọt và chát nhẹ. Điều đặc biệt cây chỉ có thể tự mọc, người dân chưa thể gieo hạt hoặc đào về nhân giống.

Minh Phương