Đời sống

Ghé thăm Chùa Keo- ngôi cổ tự trăm năm nơi tả ngạn sông Hồng

Tuấn Dũng 14/02/20 - 11:37

Lễ hội chùa Keo mùa xuân được tổ chức từ ngày 13 - 16/2 tại ngôi chùa Keo cổ kính hơn 400 năm tuổi tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Tọa lạc bên cạnh dòng sông Hồng đầy ắp phù sa thuộc địa phận xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, chùa Keo tên chữ là Thần Quang tự là một trong 10 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Chùa là nơi thờ Phật và Đức Thánh Dương Không Lộ - người có công xây dựng chùa. Không chỉ là điểm đến thưởng ngoạn thắng cảnh, sinh hoạt tâm linh của du khách thập phương, chùa Keo còn là nơi lưu giữ nghệ thuật kiến trúc và văn hóa độc đáo.

Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, điểm đến du lịch quốc gia từ năm 2013.

Trải qua gần 400 năm với bao thăng trầm biến động của lịch sử, thiên tai, địch họa và nhiều lần tu bổ, song chùa Keo hiện vẫn tồn tại khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu.

Theo văn bia còn lưu, diện tích toàn khu chùa rộng 28 mẫu (tương đương 108.000m2), công trình gồm 21 dãy, 4 gian lớn nhỏ. Hiện tại chùa Keo còn tồn nguyên 16 tòa, 126 gian, tổng diện tích gần 58.000m2.

Chùa được đánh giá là công trình nghệ thuật kiến trúc cổ có quy mô rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim với kỹ thuật cao, chạm trổ tinh tế. Kết cấu và cách bố trí cũng khác biệt bởi có cao thấp, lớn nhỏ, lên xuống “bồng bềnh như trong cõi Phật” song chặt chẽ, chắc chắn, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút người thưởng thức, nghiên cứu, khám phá nghệ thuật.

Quần thể chùa Keo còn chứa đựng nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật nhỏ với nét riêng độc đáo, không nơi nào có, tiêu biểu như: Tam quan nội, tòa Giá roi, hành lang đông tây, gác chuông,... Mỗi công trình nghệ thuật đặc sắc đó lại bao gồm những chi tiết là những kiệt tác nổi bật về giá trị nghệ thuật cũng như giá trị kiến trúc.

Ðiển hình như gác chuông được dựng theo kiểu chồng diêm cổ các, 3 tầng 12 mái với kết cấu gần 100 đầu voi, tạo vẻ trầm mặc, thâm nghiêm và uy linh chốn linh thiêng, được đánh giá có vẻ đẹp lộng lẫy, là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Tháng 12 năm 2007, tháp chuông Chùa Keo được Kỷ lục Guinness Việt Nam xác lập là tháp chuông bằng gỗ cao nhất Việt Nam.

Riêng hệ thống ghép mộng của cụm đấu củng đấu vọi của chùa Keo thì cả nước Việt Nam không hề có công trình thứ hai. Bởi vì đây là một chùm mộng, một chùm các gánh đòn dọc, đòn ngang để gia cố. Mỗi một cụm này đã là mối liên kết cụm 6. Cả công trình này tạo thành trên 300 khối mối liên kết như thế. Vì thế nên bão cũng không liên lụy, bom đạn cũng không thể làm cho nó xê dịch được.

Ngoài những nét độc đáo về kiến trúc, chùa Keo còn là nơi lưu giữ nhiều di vật, cổ vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của chùa từ thế kỷ XVII đến nay. Tiêu biểu trong đó là 2 Bảo vật quốc gia: Hai cánh cửa chạm rồng và Hương án.

Là một trong 23 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia vào tháng 12 năm 2021, Hương án chùa Keo được cho là có kích thước lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng đang được lưu giữ tại các di tích thờ tự và di tích tôn giáo ở nước ta. Sự độc đáo của hương án chùa Keo là hệ thống hoa văn trang trí phong phú và dày đặc. Trong đó, hình tượng rồng với 68 đồ án được bố cục theo những đề tài như “long ẩn vân”, “lưỡng long chầu nhật”, “long giáng”. Ngoài ra, trên hương án còn chạm khắc lên tới 550 hoa sen, 435 hoa cúc, hoa dây, lá, trúc, linh thú, mây lửa, ngọc báu... Đây là những đề tài mang đậm yếu tố nghệ thuật Phật giáo và Nho giáo, phản ánh đặc trưng tôn giáo tín ngưỡng của người Việt trong diễn trình lịch sử nói chung, thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII nói riêng. Hương án hiện được đặt trang trọng tại tòa ống muống tiếp giáp với tòa hậu cung của khu thờ Đức Thánh Dương Không Lộ.

Nếu như kiến trúc chùa Keo được đánh giá là độc đáo bậc nhất trong hệ thống chùa chiền Việt Nam thì lễ hội chùa Keo cũng có nhiều nét đặc sắc có “một không hai” trong hàng nghìn lễ hội được tổ chức hàng năm trên khắp cả nước. Năm 2017, lễ hội chùa Keo được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Mỗi năm, chùa Keo tổ chức hai mùa lễ hội. Hội xuân được mở vào ngày mồng 4 tháng Giêng. Hội thu được mở vào các ngày 13, 14, tháng 9 âm lịch và là hội chính nhằm tưởng nhớ, suy tôn Ðức thánh Thiền sư Không Lộ. Nếu như lễ hội mùa xuân vừa là lễ hội nông nghiệp vừa là lễ hội thi tài gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng sông nước thì lễ hội mùa thu ngoài tính chất là hội thi tài giải trí còn mang đậm tính chất của một lễ hội lịch sử. Lễ hội chùa Keo hiện còn bảo lưu nguyên vẹn nhiều nghi thức truyền thống như: khai chỉ mở cửa đền Thánh, tế lễ Phật thánh trong nội tự chùa, rước kiệu Đức thánh.

Cùng với các nghi lễ độc đáo, lễ hội chùa Keo còn có các cuộc thi tài, các trò chơi dân gian đặc sắc như thi bắt vịt, thi nấu cơm, thi têm trầu,… Thông qua các trò chơi dân gian truyền thống, hình thức biểu diễn nghệ thuật phản ánh lối sống của vùng dân cư nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ nói chung, Thái Bình nói riêng.

Những năm gần đây, không gian di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo đã được đầu tư trùng tu tôn tạo, góp phần thu hút khách du lịch và bảo tồn lễ hội một cách bền vững. Nhiều trò chơi dân gian đã được khôi phục nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội chùa Keo. Xây dựng chùa Keo cũng như lễ hội chùa Keo là một điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước là một trong những định hướng quan trọng trong phát triển du lịch của huyện Vũ Thư nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung.

z57854085141_02537638ce1c41e1671b88cd12120da9(1).jpg
z57850550056_0c6073570a2e489df0a58659047169.jpg
z57850560936_49ed1aedb5b0e31dbf784b8f7e65ce.jpg
Hai công trình kiến trúc chủ đạo dùng để thờ Phật và Thánh Tổ Dương Không Lộ được xây dựng và bày trí một cách quy mô. Trải dài trong khuôn viên là hệ thống các công trình như chùa Phật, tam quan, tòa thượng điện, điện thánh, gác chuông, hành lang và khu tăng xá.
z57850595776_19594ea5c7860e51c955f57531488547.jpg
z57854016095_e7c7902cb05ef55e2183893bcb25c7.jpg
Ngoài kiến trúc ấn tượng, điểm nhấn của chùa Keo Thái Bình còn nằm ở các pho tượng. Tại đây có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, La Hán, Tuyết Sơn có niên đại từ Thế kỷ XVII, XVII. Bên cạnh đó, chùa còn sở hữu hai dãy hành lang Đông, Tây dài rộng được xây dựng uốn quanh khu chùa Phật, đền Thánh.
z57854080892_f6adefdecd8d88fe7a68bef52f8ce5d7.jpg
z57854061014_a38740ad322f29e60586e3dca50855.jpg
z57854161601_4d7cc7d75eb4c4ab31866792c6d7e7ce.jpg
Ngoài ra, phía cuối con đường Thần Đạo trong khuôn viên chùa tọa lạc một công trình ấn tượng là tòa gác chuông. Tòa tháp bao gồm 4 tầng, trong đó tầng 1 treo khánh đá, tầng 2 đặt chuông đồng lớn, tầng 3 và tầng thượng đặt 2 chuông đồng cỡ nhỏ.
z57854176365_a4655907bc57ef06053c3a8fe46c3ddc.jpg
z57854096471_6b6ec0afa3a9b722d279a622c05c008c.jpg
Lễ hội chùa Keo diễn ra hai lần vào mùa xuân và mùa thu hàng năm. Lễ hội này ngoài tôn vinh vị Quốc sư Dương Không Lộ còn thể hiện được tinh thần nông nghiệp, yêu quý cây lúa của người dân Thái Bình.
z57854188335_6c6069238654312c45b7f87639570823.jpg
Lễ hội Chùa Keo mùa xuân được diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm. Ngoài các nghi thức lễ Phật, lễ Thánh, hội xuân tại chùa Keo còn bao gồm các cuộc tranh tài với các cuộc thi như bắt vịt, nấu cơm. Đặc điểm chung của các cuộc thi này là lấy đề tài gắn liền với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp tại đất Thái Bình.
z57854325870_4097469f12e062a062ac5e869e5547ad.jpg
Có thể thấy, chùa Keo là một điểm đến lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về văn hóa mà bạn không thể bỏ lỡ khi đến với Thái Bình.
z578543326_edc39b9c7a209af6b96f951a9ed8f2.jpg
z57854143632_a20856e108e911a2c4d5caad8bbc4128.jpg
z57854102011_cc70cdc9688efc56bfdf8873c491a025.jpg
Du khách đến lễ hội chùa Keo du xuân, vãn cảnh chùa và cầu bình an trong năm mới
z57854181918_d604079eafbcbed932bf6ad2328b5e32.jpg
Hàng ngàn du khách từ các nơi kéo về, tỏa khắp các điểm tại chùa Keo để vãn cảnh chùa, cầu sức khỏe, bình an cho người thân trong năm mới.

Tuấn Dũng