Văn hóa - Du lịch

Nô nức trẩy hội chợ Viềng tại Nam Định

Mai Đỉnh 17/02/20 - 11:35

Theo thông lệ, mỗi năm cứ vào đêm mùng 7 và rạng sáng mùng 8 tháng Giêng (sau Tết Nguyên đán), dòng người các nơi lại tấp nập kéo về chợ Viềng Nam Định để “mua may, bán rủi”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Nam Định có tới 4 chợ có tên Viềng nhưng thu hút du khách nhiều hơn cả là 2 chợ Viềng được họp tại thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực và xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (hay còn gọi là chợ Phủ).

cho-vieng-nam-dinh-2-.jpg
Dòng người đổ về chợ Viềng

Chợ họp cả đêm mùng 7 và cả ngày mùng 8 Tết. Sự hấp dẫn của hai chợ xuân này có những nét khác nhau, nhưng điểm chung nhất là đi chợ “cầu may”, đó là điểm đặc trưng khi đến với chợ Viềng sau dịp Tết.

cho-vieng-nam-dinh-4-.jpg
Những mặt hàng phục vụ nông nghiệp được bày bán.

Chợ Viềng ở xã Kim Thái gắn với Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy - thờ Mẫu Liễu Hạnh nên du khách vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào Phủ lễ Mẫu cầu mọi sự may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, cầu mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt. Còn chợ Viềng thị trấn Nam Giang thường bày bán đồ đồng, đồ cơ khí nhiều hơn và trưng bày cổ vật bằng đồng, sứ.

cho-vieng-nam-dinh-3-.jpg
Người ta đến chợ Viềng để tham gia mua bán lấy may đầu xuân

Năm nay, thời tiết thuận lợi, chợ diễn ra vào ngày cuối tuần nên lượng người đến với 2 chợ xuân này đông hơn.

Giữa khung cảnh sơn thủy hữu tình, giữa tiết xuân dưới làn mưa bụi mỏng, du khách dạo quanh khu vực bày bán các sản vật của miền quê nông nghiệp trù phú, những sản phẩm thủ công tinh xảo, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, đồ tế lễ… Ở chợ Viềng, thịt bê thui được bày bán thành từng dãy hoặc xen vào các hàng bán cây giống, cây cảnh.

cho-vieng-nam-dinh-1-.jpg
Nhiều người vẫn giữ được thói quen “mua may bán rủi”

Tại các gian hàng cây giống, cây ăn quả, cây cảnh chiếm đa số và là mặt hàng bán chạy nhất. Hàng hóa góp mặt ở chợ chủ yếu được người dân tại các huyện trong tỉnh Nam Định và một số tỉnh như: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên... mang tới. Với tâm lý bán rủi, mua may nên người bán hàng thường đưa ra giá vừa phải, không đặt nặng yếu tố lợi nhuận.

Người ta truyền nhau rằng, có thể đi chơi khắp khu chợ từ chiều đến tối, nhưng nếu mua thì nhất định nên đợi qua 0h, rạng sáng ngày mùng 8 thì hãy mua, vậy mới thực sự là mua may cầu lành.

cho-vieng-nam-dinh-5-.jpg
Dòng người đổ về từ tối mùng 7, rạng ngày mùng 8 tháng Giêng (sau Tết Nguyên đán)

Người nông dân thì mua cái liềm, lưỡi cuốc mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; trẻ con thích thú được người lớn mua cho tò he rồng, phượng, thứ đồ chơi dân gian không thể thiếu của tuổi thơ.

Khách phương xa đến có thể dạo thăm khu vực bán cây cảnh và mua cho mình một cây nhỏ bất kỳ, giá cả vừa phải, chủ yếu lấy lộc trong năm mới. Hoặc đơn giản hơn, mua một gói muối chỉ vài nghìn đồng theo tục lệ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, hay vài đồng tiền xu may mắn về để bàn thờ.

cho-vieng-nam-dinh-8-.jpg
Vừa mua bán những vật dụng may mắn, vừa vào Phủ lễ Mẫu cầu mọi sự may mắn, bình an

Tất cả người bán và người mua đều vui vẻ, không chỉ là trao cho nhau món hàng, mà còn gửi gắm cho nhau chút tình ngày xuân năm mới, và mong muốn mang may mắn về nhà.

Một mùa xuân mới lại về. Đến chợ Viềng là đến một điểm hẹn đầu xuân, nơi có phong tục tập quán đậm đà bản sắc văn hóa không nơi nào có được đó là “bán rủi, mua may”. Người dân không chỉ gửi gắm ước vọng cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nông - công - thương phát đạt mà còn cầu mong bình an, hạnh phúc.

Mai Đỉnh