Cần nhiều trợ lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ
Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam cần nhiều trợ lực hơn nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Việt Nam đã trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong những tháng cuối năm 2023, lần lượt nhiều "ông lớn" ngành công nghiệp hỗ trợ đã công bố chiến lược tiến sâu vào thị trường Việt Nam, cũng như những dự án được triển khai từ sự "bắt tay" giữa cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, dù được đánh giá ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã được cải thiện, có nhiều tiềm năng trong việc “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng để đi xa và sâu hơn lại còn nhiều điểm nghẽn.
Do đó, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/20/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất.
Với khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ...
Về vốn, Bộ Công Thương đề xuất, ngân sách trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm. Thời gian được Nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.
Bộ Công Thương cũng đề xuất nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam còn nhiều khó khăn.
Ngoài ra, việc tham gia các hiệp hội sẽ giúp các doanh nghiệp hội viên kết nối với nhau cũng như tạo được nhiều chương trình quảng bá, kết nối doanh nghiệp hội viên với những đối tác trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, đào tạo nhân lực, vốn tín dụng, thị trường… trong đó, các kế hoạch về quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ phải gắn liền với chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong nước với chính sách hợp lý… Các cơ quan quản lý cũng cần có hỗ trợ về năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.