Lễ hội khai bút, thi viết thư pháp tại đền thờ Trạng nguyên Lê Ích Mộc
Sáng 17/2, tại Khu tưởng niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc (xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), UBND huyện Thủy Nguyên đã long trọng tổ chức Lễ hội khai bút và Hội thi viết thư pháp chào Xuân Giáp Thìn và kỷ niệm 486 năm Ngày mất Trạng nguyên Lê Ích Mộc.
Theo sử sách, Trạng nguyên Lê Ích Mộc, sinh ngày 2/2/1458, người Thanh Lãng, tổng Phù Lưu, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng). Mùa xuân năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (02) đời Lê Hiến Tông, triều đình mở hội thi kén người tài. Khoa thi năm ấy, Lê Ích Mộc đỗ Trạng nguyên, được triều đình trọng dụng, ông làm quan đến chức Tả Thị lang, ông còn là vị Trạng nguyên khai khoa của TP. Hải Phòng.
Sau khi thôi làm quan, ông trở về quê nhà để tiếp tục nghiên cứu đạo Phật; mở trường dạy học để đào tạo hiền tài, cùng với dân làng phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
Năm 38, Trạng nguyên Lê Ích Mộc qua đời ở tuổi 80. Sau khi ông mất, người làng Thanh Lãng và nhiều nơi lập đền miếu tôn thờ, đời đời hương khói, cúng tế. Hằng năm, cứ vào ngày mùng 8 đến hết ngày tháng Giêng (Âm lịch), chính quyền và nhân dân huyện Thủy Nguyên long trọng tổ chức lễ hội để tôn vinh cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của ông.
Tục khai bút và đi xin chữ đầu Xuân xuất hiện vào Thế kỷ XIII, gắn liền với thân thế của danh nhân Chu Văn An. Thời xưa, Lễ khai bút đầu năm thường được thực hiện sau Giao thừa, chính là thời khắc thiêng liêng đầu tiên của năm mới. Khi đó, các quan, nhà nho, nhà giáo thường đốt lư trầm bên bàn viết, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Trong không gian tĩnh tại, mọi người thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.
Khai bút cũng chính là khai chữ, khai tâm, khai trí, để tự nhắc nhở mình, nhắc nhở mọi người luôn mong muốn, hy vọng hướng thiện và hướng tới cái đẹp. Ngoài những giá trị nói trên, khai bút đầu năm còn mang mong muốn của người thực hiện về một năm mới may mắn, tốt lành.
Qua thời gian, thủ tục khai bút và xin chữ đầu năm được lưu truyền, tượng trưng cho may mắn và thành công trong học tập và sự nghiệp, thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ học trò trong cả nước.
Tại lễ khai mạc, các đại biểu và nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với hoạt cảnh chèo tái hiện thân thế, sự nghiệp của Trạng nguyên Lê Ích Mộc; các tiết mục ca múa nhạc thể hiện truyền thống hiếu học, tình yêu quê hương và màn múa Lân-Sư-Rồng, trống hội ấn tượng…
Ngay sau lễ khai mạc, các đoàn đại biểu cùng các thầy cô giáo, học sinh các trường trên địa bàn huyện và đông đảo người dân thành kính dâng hương tỏ lòng thành kính và tri ân đối với Trạng nguyên Lê Ích Mộc.
Năm nay, Lễ hội diễn ra từ ngày 17/2 đến /3 với nhiều hoạt động nghi lễ được chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang nghiêm tại Khu tưởng niệm và các khu di tích liên quan đến cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Lê Ích Mộc trên địa bàn xã Quảng Thanh.
Bên cạnh đó, phần hội với chuỗi hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi đặc sắc mang nét đặc trưng truyền thống của đất và người Thủy Nguyên như: Hát Đúm, ca Trù… Đặc biệt, Hội thi viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ thu hút đông đảo nhân dân và du khách; qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá lịch sử văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của huyện.
Lễ hội nhằm tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng nguyên Lê Ích Mộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân, đồng thời tỏ lòng tri ân với Trạng nguyên Lê Ích Mộc.