Lễ hội truyền thống vật Làng Sình (Thừa Thiên Huế) đầu Xuân Giáp Thìn
Ngày 19/2, tại khu vực đình làng Lại Ân (còn gọi là làng Sình), xã Phú Mậu, TP.Huế đã diễn ra Lễ hội truyền thống đấu vật đầu Xuân. Đây là một hoạt động văn hóa truyền thống, giàu tinh thần thượng võ của người dân.
"Dù ai đi ngược về xuôi/ nhớ ngày hội vật mùng mười tháng Giêng", theo tục lệ hàng năm, cứ vào ngày mùng mười tháng Giêng, hội vật làng Sình diễn ra, thu hút hàng ngàn du khách gần xa về tham dự.
Lễ hội vật làng Sình với hai nội dung chính là vật thiếu niên và vật thanh niên theo hình thức vòng loại. Lễ hội vật truyền thống của làng đã có lịch sử hơn 400 năm (từ thời chúa Nguyễn) và phát triển liên tục cho đến ngày nay.
Hội vật còn mang ý nghĩa tâm linh là cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống giàu tinh thần thượng võ, khích lệ việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí của lớp trẻ. Các đô vật dự đấu không nhất thiết phải là người địa phương, và bất kỳ khán giả nào cũng có thể được lên sới đấu vật.
Về cơ bản cũng áp dụng theo nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc, các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 2 hoặc 3 đối thủ; các đô vật phải đánh bại đối thủ của mình với đòn đánh làm cho đối phương "lấm lưng, trắng bụng".
Nếu vượt qua vòng đấu loại, các đô vật sẽ bước vào vòng bán kết. Ở vòng bán kết, các đô vật phải vượt qua 1 đối thủ nữa mới lọt được vào vòng chung kết.
Đây là hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, hoạt động có ý nghĩa nhằm khơi dậy không khí vui xuân trong dịp đầu năm mới, tiếp tục kêu gọi nhân dân rèn luyện sức khỏe, thể hiện tinh thần cao đẹp, thượng võ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí, nhất là với lớp các thế hệ trẻ.
Một số hình ảnh tại lễ hội truyền thống vật Làng Sình (Thừa Thiên Huế) đầu Xuân Giáp Thìn năm 20: