Hàng vạn Phật tử và du khách đến khai hội Xuân Yên Tử 20
Sáng 19/2 (tức mùng 10 tháng Giêng), tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm 20.
Tham dự chương trình có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, cùng các vị đại biểu, nhân dân và du khách thập phương hân hoan đến khai hội.
Danh sơn Yên Tử là địa linh, là phúc địa của quốc gia, nơi linh thiêng và kỳ vĩ, nơi gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn Trần Nhân Tông - vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược.
Sau hai cuộc kháng chiến lẫy lừng ấy, khi đất nuớc đã thanh bình, Ngài đã rời bỏ ngai vàng, nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật.
Đến năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm.
Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, đạo và đời luôn hòa quyện, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển trường tồn của đất nước.
Chính vì lẽ đó, người đời sau luôn tâm niệm rằng Yên Tử chính là cái nôi sản sinh ra Thiền phái Trúc Lâm và Trần Nhân Tông chính là Đức Phật hoàng của đất nước Việt Nam.
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, Yên Tử luôn ấp ủ trong mình hồn thiêng văn hóa Việt, chứa đựng trong mình sức mạnh tinh thần bất diệt ngàn đời, bởi nơi đây ông cha ta đã để lại di sản là hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am tháp, hàng ngàn di vật cổ chứa đựng những giá trị tinh thần, tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm và nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ thời Đại Việt.
Phát biểu tại Lễ khai hội Xuân Yên Tử, ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí cho biết, tinh thần Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm vẫn còn sống mãi trong nền văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là tinh thần nhập thế, giao thoa sống động giữa đời và đạo, lấy đạo để xây đời và qua đời để dựng đạo.
Vì lẽ đó Yên Tử luôn được xem là kinh đô của Phật giáo Việt Nam, là “đất Phật”, là “cõi thiêng ngàn năm”, chốn hành hương, hội tụ của hàng triệu du khách, nhân dân và Phật tử mỗi năm về tham quan lễ Phật.
Với những giá trị to lớn đó, ngày nay Yên Tử đã trở thành báu vật vô giá và là niềm tự hào không chỉ của người dân Quảng Ninh mà của cả dân tộc Việt Nam ta. Để tôn vinh và nâng tầm giá trị của Yên Tử, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Khu di tích Yên Tử là di tích quốc gia đặc biệt.
Du xuân trảy hội đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt Nam ta, cứ mỗi độ xuân về, hàng triệu du khách lại về với non thiêng Yên Tử.
“Về với Yên Tử chính là về với cội nguồn, chúng ta như được sống lại trong không khí của một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc”, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, với lòng thành kính Đức Phật hoàng, lòng yêu nước sâu sắc của mỗi người con đất Việt, lễ hội Yên Tử hàng năm như một lời nhắc nhở các thế hệ cháu con phải luôn ghi nhớ về cội nguồn, để kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn các bậc tiền nhân.
Để tiếp tục nâng tầm giá trị của Yên Tử, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương hoàn thiện xong bộ hồ sơ khoa học "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" trình lên tổ chức UNESCO xem xét, thẩm định công nhận là Di sản thế giới.
Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, lượng du khách đến tham quan chùa Đồng Yên Tử từ mùng 1-9 tháng Giêng khoảng 160 nghìn người, riêng ngày 9 tháng Giêng là 20 nghìn du khách. Trong những ngày tới, thời tiết thuận lợi sẽ thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm bái, du xuân tại Yên Tử.