Văn hóa - Du lịch

Pháo đất - trò chơi truyền thống độc đáo ở vùng quê Vĩnh Bảo

Vũ Ba 20/02/20 - 11:16

Cùng với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc quê hương, dân tộc thì pháo đất cũng đã trở thành trò chơi truyền thống, thú chơi rất độc đáo trong các dịp lễ, Tết từ bao đời nay ở vùng quê huyện Vĩnh Bảo.

Vĩnh Bảo là một huyện ngoại thành, thuần nông ở phía Nam của thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 40 km. Huyện Vĩnh Bảo giáp với huyện Tiên Lãng, huyện Thái Thụy và huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình), huyện Ninh Giang và huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) và được bao bọc xung quanh bởi 3 con sông là sông Luộc, sông Hóa, sông Thái Bình.

Huyện Vĩnh Bảo được biết đến là quê hương của Danh nhân văn hóa Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ở đây, ngoài Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì các Di tích như Đình Nhân Mục, Miếu Bảo Hà (nơi có bức tượng có thể đứng lên, ngồi xuống), Đình Cung Chúc (ngôi đình có kiến trúc độc đáo, 16 lỗ đục)… cũng nổi danh không kém.

phao-1.jpg
Mỗi buổi chơi pháo đất đều thu hút đông đảo các pháo thủ tham gia

Nằm trong vùng đồng bằng Duyên hải Bắc bộ và có sự giao thoa với các tỉnh giáp ranh nên đời sống tinh thần, nét văn hóa của người Vĩnh Bảo cũng giống với các địa phương lân cận trong vùng, vốn rất vui vẻ, hiếu khách, chân chất, đoàn kết. Từ bao đời nay, hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, những ngày hội, sự lệ của địa phương, người dân đều tổ chức chơi những trò chơi dân gian, truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc của vùng miền, địa phương. Một trong những trò chơi dân gian truyền thống, thú chơi rất độc đáo của người dân ở vùng quê Vĩnh Bảo chính là pháo đất.

phao-2.jpg
phao-3.jpg
phao-4.jpg
Các "pháo thủ" nhẹ nhàng, khéo léo lên giềng pháo

Người dân quê ở đây không ai xác định chính xác được pháo đất có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó đã có từ rất lâu mà bao đời, bao thế hệ người già, trẻ, thanh niên ở đây đều chơi. Chính vì lẽ đó, pháo đất không chỉ là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn trở thành món ăn tình thần trong các dịp lễ, Tết, ngày hội, sự lệ của người dân quê. Qua mỗi buổi được chơi, được xem pháo đất, họ lại trở nên vui tươi, đầy nghị lực, xóa tan những mệt nhọc, khó khăn của cuộc sống, đặc biệt càng gắn kết với nhau hơn.

phao-5b.jpg
phao-5.jpg
Các pháo thủ đưa pháo vào sân chơi

Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Độ, một pháo thủ ở thôn Tiền Hải, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, việc tổ chức chơi pháo đất ở vùng quê này có thể do chính quyền địa phương hoặc nhân dân tổ chức. Việc tổ chức chơi, thi đấu pháo đất theo quy mô, mức độ khác nhau, có thể là họ này với họ kia, theo thôn làng, theo xã. Kết quả chơi, thi đấu pháo đất cũng tính theo cao thấp, có xếp hạng để khi kết thúc buổi chơi ban tổ chức sẽ tiến hành trao thưởng cho các đội, người tham gia.

Chơi pháo đất có hai hình thức gồm pháo giềng, tập trung ở 5 xã đường 10 là Giang Biên, Dũng Tiến, Việt Tiến, Vĩnh An, Tân Liên và pháo đơn chủ yếu ở các xã phía Tây như Trung Lập, Hùng Tiến, Hiệp Hòa, An Hòa. Pháo giềng có kích thước từ 2 thước 2 đến 2 thước rưỡi (khoảng 90cm x 60cm đến 120cm x 70cm), nặng từ 30-40kg nên sẽ có khoảng 4-5 pháo thủ cùng đánh 1 pháo. Pháo đơn thì kích thước, trọng lượng nhỏ hơn nên bình thường chỉ có 1 pháo thủ đánh 1 pháo.

Trước những ngày thi đấu, anh em pháo thủ sẽ đi lấy đất ở ruộng canh tác, độ sâu khoảng 2m, thuộc luồng đất sét. Sau khi lấy đất mang về, pháo thủ sẽ vật đất lên tường cho ráo nước, rồi nạo đất lọc loại bỏ các cục, tạp chất bỏ đi. Sau đó, pháo thủ tập trung dận đất cho đến khi thật mềm dẻo, rồi gói lại bằng túi nilon chờ hôm sau đi đánh. Cùng với việc lấy đất về nhào nặn, các pháo thủ còn phải lấy tre về để vót nòng làm phần khung xương của pháo và những vật dụng phục vụ cho việc lên khuôn hình pháo như búa đập bằng gỗ, dao cắt tỉa bằng tre…

Trước ngày thi đấu, các đội sẽ họp để lựa chọn pháo thủ và phân công nhiệm vụ cho từng người. Ngày hôm sau, khi ra sân thi đấu, các pháo thủ sẽ bắt đầu giải bạt, bỏ đất ra tiếp tục nhào, dận lại cho thật mềm dẻo; sau đó sẽ thực hiện theo trình tự các bước lên để khuôn hình pháo, như: Dận đất cho phẳng đều và nắn khuôn hình pháo; cho nòng (nẹp tre), một lớp ngang, 1 lớp dọc để làm khung xương pháo; lên giềng (còn gọi manh). Khi đã lên khuôn hình cơ bản, pháo thủ sẽ bấm xung quanh phần manh pháo, vuốt thêm những đường nét làm đẹp pháo trước khi ra tung.

phao-7.jpg
Thủ trượng đo độ dài manh pháo để tính kết quả

Sau khi đăng ký với ban tổ chức, các pháo thủ sẽ nâng pháo, rồi lật úp lại, đưa vào sân, sau đó để 1 pháo thủ đánh tung pháo. Sau tiếng nổ đụp, manh pháo tung ra, nếu không đứt thành nhiều đoạn thì “thủ trượng” sẽ dùng thước đo chiều dài manh để tính kết quả; nếu manh pháo đứt nhiều đoạn hoặc bị ten (bị tịt) là không đạt.

Thể lệ cuộc thi pháo giềng gồm sáng 3 tung (mỗi pháo thủ của 1 đội sẽ đánh 3 lượt tung), chiều 3 úp (mỗi pháo thủ của 1 đội sẽ đánh 3 lượt úp); mỗi đội thường có khoảng 8 pháo thủ. Sau khi thi đấu xong, ban tổ chức, thủ trịch (ban giám khảo) sẽ công bố kết quả. Tổng toàn canh (3 tung và 3 úp), dài pháo (đội) nào có nhiều lượt thắng nhất thì giành chiến thắng chung cuộc (còn gọi là được canh hoặc được sòng).

Đối với pháo đơn, mỗi đội có khoảng từ 5 pháo thủ, thể lệ cuộc thi gồm 4 lượt gieo, 2 lượt đập.

img_200220_100454.jpg

Ông Phạm Văn Đàn, Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: Trước đây, huyện Vĩnh Bảo nói chung, xã An Hòa nói riêng vốn là vùng quê thuần nông trồng lúa, hoa màu theo mùa vụ. Chính vì vậy, từ tháng 8 Âm lịch đến Tết nguyên đán là thời điểm nông nhàn, không còn bận rộn với việc đồng áng, trồng trọt nên người dân ở các thôn làng thường tổ chức chơi pháo đất. Ở xã An Hòa, người dân chủ yếu là pháo đơn và trò chơi này vẫn còn duy trì đến ngày nay.

img_200220_100455.jpg
Một buổi chơi pháo đơn tại xã An Hòa

Theo ông Nguyễn Kim Chất, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến, ở đây, khi người chồng đi đánh pháo thì cả vợ, con cùng đến cổ vũ, động viên. Việc chơi pháo đất của người dân trên địa bàn xã không chỉ sôi nổi, khí thế mà còn tạo được sự gắn kết giữa các pháo thủ, giữa các đội chơi, các thôn làng với nhau. Với kinh nghiệm, cùng với sự gắn kết, khí thế sôi nổi đó mà hàng năm, xã Hùng Tiến đều đạt giải cao khi tham gia chơi pháo đất tại Lễ hội đền Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đến nay, việc chơi pháo đất đã trở thành một món ăn tinh thần, một nét văn hóa của người dân quê ở đây cần được giữ gìn và tiếp tục phát huy.

Vũ Ba