Ô nhiễm nước đe dọa "đất nước hai sông"
Bị ảnh hưởng bởi hạn hán và cạn kiệt do các con đập ở thượng nguồn, các con sông Tigris và Euphrates 'hùng mạnh' một thời của Iraq đang ở trong tình trạng ‘quá tải’ chất ô nhiễm từ nước thải đến chất thải y tế.
Quá tải chất độc
Theo số liệu của Liên hợp quốc, ở một đất nước mà một nửa dân số không được tiếp cận với nước uống an toàn, các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về thảm họa do con người gây ra - biến các con sông thành bãi rác thải.
Khaled Shamal, người phát ngôn của Bộ Tài nguyên nước, cho biết: “Điều kỳ lạ về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Iraq là hầu hết các tổ chức chính phủ đều phải chịu trách nhiệm về vấn đề này”.
Ông cảnh báo rằng, mạng lưới xử lý nước thải của Iraq thải "số lượng lớn" nước thải vào hai con sông chính sau khi xử lý sơ bộ, hoặc không xử lý gì cả.
Ông Shamal cho biết thêm: “Hầu hết các bệnh viện gần sông đều đổ chất thải y tế và nước thải thẳng vào đó”. "Thật nguy hiểm và thảm khốc".
Nước bẩn và không an toàn là mối đe dọa sức khỏe hàng đầu ở Iraq, nơi hàng thập kỷ xung đột, quản lý yếu kém và tham nhũng đã gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, bao gồm cả hệ thống nước.
Các nhà máy hóa dầu, nhà máy điện và hệ thống thoát nước nông nghiệp mang theo phân bón và các chất độc khác đã làm ô nhiễm nguồn nước của Iraq.
Tại đất nước được mệnh danh là “đất nước hai sông”, tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã trở nên nghiêm trọng đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Ali Ayoub, chuyên gia về nước của Quy Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, cảnh báo rằng hai nhà máy xử lý nước chính của Baghdad đang bị quá tải gấp đôi công suất dự kiến.
Các cơ sở xử lý nước được xây dựng cho dân số từ 3 đến 4 triệu người, nhưng ngày nay có ít nhất 9 triệu người sống ở Baghdad.
Ayoub cho biết: “Cơ sở hạ tầng không đầy đủ, các quy định hạn chế và nhận thức cộng đồng kém là những yếu tố chính góp phần làm suy giảm đáng kể chất lượng nước ở Iraq”.
Người dân phải đi mua nước
Liên hợp quốc cho biết Iraq, nơi phải chịu đựng cái nóng gay gắt của mùa hè và bão cát thường xuyên, là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi một số tác động của biến đổi khí hậu.
Đất nước 43 triệu dân này đã phải hứng chịu 4 năm liên tiếp hạn hán, khiến tình trạng khan hiếm nước trở nên trầm trọng.
Theo các nhà chức trách, tình hình trở nên tồi tệ hơn do các con đập ở thượng nguồn do các nước láng giềng của Iraq là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng, làm giảm mực nước ở sông Tigris và Euphrates, những con sông là nguồn tưới tiêu chính cho Iraq trong nhiều thiên niên kỷ.
Người phát ngôn Bộ Môi trường Amir Ali Hassoun cho biết, lưu lượng nước tới Iraq "đã giảm đáng kể, dẫn đến nồng độ chất ô nhiễm trong nước tăng lên".
Trước đây, chính quyền thường xuyên xả nước để tăng lưu lượng sông và làm loãng chất ô nhiễm, nhưng chiến lược này đã trở nên bất khả thi do thiếu nước buộc họ phải tìm kiếm các lựa chọn khác.
Ngoài việc "nâng cao nhận thức" của người dân, các quan chức Iraq cho biết, họ đang giám sát chặt chẽ việc quản lý nước thải.
“Các bệnh viện được yêu cầu lắp đặt các thiết bị xử lý nước thải. Chúng tôi hy vọng rằng năm 20 sẽ là năm chúng tôi loại bỏ mọi vi phạm”, ông Hassoun nói khi đề cập đến việc các bệnh viện đổ nước thải và chất thải y tế chưa qua xử lý xuống sông.
Ở miền Nam Iraq, tình trạng ô nhiễm nguồn nước còn tồi tệ hơn nhiều. Hassan Zouri, 65 tuổi, đến từ tỉnh Dhi Qar phía nam, cho biết: “Nước thải từ các khu vực khác đổ vào sông, làm ô nhiễm nguồn nước chảy vào chúng tôi. Nước mang mầm bệnh. Chúng tôi không thể uống hay sử dụng được", ông bố 8 con nói thêm. “Trước đây chúng tôi lấy nước từ sông để ăn uống, giặt giũ và tưới tiêu, nhưng bây giờ chúng tôi phải đi mua nước”.
Những nỗ lực của Chính phủ
“Hai phần ba nước thải công nghiệp và sinh hoạt được thải ra sông mà không qua xử lý - lên tới 6 triệu mét khối mỗi ngày. Nhưng chính phủ Iraq đang thực hiện các bước để cải thiện chất lượng nước”, ông nói.
Chính phủ cho biết, họ sẽ không phê duyệt các dự án có thể là nguồn gây ô nhiễm trừ khi chúng cung cấp dịch vụ xử lý nước.
Ayoub cho biết, họ đã phát triển kế hoạch 3 năm để “tăng cường hệ thống nước và vệ sinh” nhằm cung cấp “nước uống an toàn, đặc biệt cho những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất”.
Akil Salman, Giám đốc dự án Thành phố Y tế của Baghdad cho biết: Hợp tác với UNICEF, Thành phố Y tế của Baghdad - khu phức hợp bệnh viện với 3.000 giường, bên bờ sông Tigris gần đây đã khánh thành một nhà máy xử lý nước.
Cơ sở này đã bắt đầu hoạt động với 3 đơn vị, mỗi đơn vị có khả năng xử lý 200 mét khối chất thải mỗi ngày. Bốn tổ máy bổ sung với công suất 400 mét khối mỗi tổ dự kiến sẽ được hoàn thành “trong vòng hai tháng”.
Salman cho biết, thay vì dẫn nước thải đến các cơ sở xử lý quá tải của Baghdad, Thành phố Y tế có thể sử dụng nước đã qua xử lý để tưới vườn của bệnh viện và đổ đầy bể chứa của lực lượng cứu hỏa.