Nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng bởi 'cơn bão hoàn hảo'
Xuất khẩu yếu hơn, năng lượng tốn kém và quá trình chuyển đổi xanh chậm chạp đã kết hợp lại để tạo thành một ‘cơn bão hoàn hảo’ đối với nền kinh tế Đức, khiến Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz phải tranh luận về cách thay đổi hướng đi.
Một ‘cơn bão hoàn hảo’
Trong dự báo kinh tế mới nhất cho năm 20 vừa được công bố tuần này cho thấy, mức tăng trưởng giảm mạnh xuống chỉ còn 0,2%. Trong dự báo trước đó, Chính phủ Đức vẫn kỳ vọng sản lượng sẽ tăng 1,3%.
Đất nước này đã kết thúc năm 2023 trong tình trạng suy thoái, giảm 0,3% và dữ liệu mới nhất cho thấy quý đầu tiên của năm 20 sẽ chứng kiến một đợt suy thoái khác.
Truyền thông Đức cho biết, nước Đức cũng có nguy cơ phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng yếu kém đến năm 2028 nếu không có hành động nào được thực hiện.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết hồi đầu tháng này rằng, nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và có truyền thống là động lực tăng trưởng của khu vực đồng euro, đang bị ảnh hưởng bởi "một cơn bão hoàn hảo". Ông nói thêm rằng tình hình “rất tồi tệ”.
Ngành công nghiệp hùng mạnh một thời của Đức đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi nhiều ‘cơn gió ngược’.
Vốn phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu giá rẻ trước đây của Nga, lĩnh vực này vẫn đang quay cuồng vì giá năng lượng tăng vọt do cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Chuỗi tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu nhằm kiềm chế lạm phát đã làm tăng thêm khó khăn cho các nhà đầu tư, làm giảm nhu cầu và đầu tư.
Xuất khẩu sụt giảm do giao dịch kém hơn với các thị trường trọng điểm như Trung Quốc - quốc gia ngày càng trở nên mạnh trong việc tự cung cấp hàng hóa. Căng thẳng địa chính trị bao gồm cả sự gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ đã làm tăng thêm những khó khăn trong thương mại.
Trong khi đó, sự chuyển đổi được hứa hẹn từ lâu sang một nền kinh tế xanh hơn, đòi hỏi đầu tư công và tư nhân lớn, đã gặp phải những trở ngại mới sau một phán quyết pháp lý vào năm ngoái, buộc Chính phủ phải thay đổi một số kế hoạch chi tiêu cho khí hậu.
Các khoản trợ cấp xanh hấp dẫn ở Mỹ đã thu hút một số công ty Đức, những đơn vị đang phàn nàn về việc chính phủ của Thủ tướng Scholz thiếu các ưu đãi.
Các tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức BASF và Bayer nằm trong số khoảng 60 công ty trong tuần này đưa ra lời kêu gọi chung tới các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu thông qua một "thỏa thuận công nghiệp châu Âu" để giúp kéo lĩnh vực này ra khỏi tình trạng ảm đạm.
Tuyên bố viết: “Nếu không có chính sách công nghiệp có mục tiêu, châu Âu có nguy cơ trở nên phụ thuộc ngay cả vào hàng hóa và hóa chất cơ bản. Châu Âu không thể để điều này xảy ra”.
Cần một ‘bước ngoặt kinh tế’
Trong một bức thư ngỏ vào cuối tuần, 18 liên đoàn đại diện cho “Mittelstand” (một nhóm các doanh nghiệp kinh doanh ổn định đã chứng tỏ thành công trong việc chịu đựng sự thay đổi và hỗn loạn kinh tế) được coi là xương sống của nền kinh tế Đức, đã kêu gọi các chính trị gia hành động để giải cứu “Mittelstand” của Đức.
Nhưng ba đảng tạo nên liên minh của Thủ tướng Scholz gồm Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xanh và Đảng FDP cấp tiến, đang chưa thể thống nhất về cách ứng phó.
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner từ FDP ủng hộ doanh nghiệp muốn giảm bớt gánh nặng thuế và cắt giảm quan liêu cho các doanh nghiệp. Ông cảnh báo: “Nếu chúng ta không làm gì, nước Đức sẽ trở nên nghèo hơn”.
Một dự thảo luật nhằm giảm thuế đối với các tập đoàn khoảng 7 tỷ euro (7,5 tỷ USD) mỗi năm sẽ được các nhà lập pháp thông qua tuần này, sau nhiều tháng tranh cãi.
Nhưng Bộ trưởng Kinh tế Habeck muốn đi xa hơn. Ông đã kêu gọi nới lỏng "phanh nợ" được quy định trong hiến pháp của Chính phủ, một mức trần tự áp đặt đối với khoản vay hàng năm mà các nhà phê bình cho rằng đã cản trở chi tiêu rất cần thiết cho việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường.
Căng thẳng về việc phanh nợ lại gia tăng sau khi một Tòa án cấp cao vào tháng 11 phát hiện ra rằng, Chính phủ đã vi phạm quy tắc nợ khi chuyển hàng tỷ euro dành cho hỗ trợ đại dịch vào quỹ khí hậu, khiến ngân sách của Chính phủ Thủ tướng Scholz rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Trong khi Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Scholz đã báo hiệu sự cởi mở trong việc điều chỉnh các quy tắc, thì bất kỳ việc nới lỏng phanh nợ nào vẫn là một ranh giới đỏ đối với FDP.
Những khó khăn kinh tế đã góp phần làm giảm mạnh sự ủng hộ dành cho Chính phủ.
Kế hoạch loại bỏ trợ cấp nhiên liệu nông nghiệp đã gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào tháng trước, khi nhiều nông dân bày tỏ sự không hài lòng với Thủ tướng Scholz và các đối tác liên minh của ông.
Tổng Thư ký FDP Bijan Djir-Sarai gần đây đã đặt câu hỏi về tương lai của liên minh. Vị này chia sẻ với tờ Bild: “Một bước ngoặt kinh tế là cần thiết”. Ông cũng nói thêm rằng, liệu liên minh có đủ khả năng thực hiện những thay đổi cần thiết hay không sẽ là "điểm quyết định trong những tuần và tháng tới".