Tâm điểm dư luận

Đào, Phở và Piano: Đừng chỉ trông chờ vào may mắn

Biên Thùy 23/02/20 11:46

“Đào, Phở và Piano” một bộ phim về đề tài lịch sử do Nhà nước đặt hàng, không quảng cáo phát hành và chỉ chiếu ở một địa điểm duy nhất suýt nữa thì chung số phận hẩm hiu như bao bộ phim khác.

dao-pho-piano-1.jpeg
Một cảnh trong bộ phim Đào, Phở và Piano

Đào, Phở và Piano” lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội đang gây "sốt" trong cộng đồng. Nhưng phía sau “cơn sốt” ấy đã bộc lộ nhiều điểm yếu của dòng phim do Nhà nước đặt hàng.

Bộ phim sử thi lãng mạn này được đầu tư với số tiền 20 tỷ đồng do Phi Tiến Sơn làm đạo diễn. Nó âm thầm ra mắt vào tháng 9/2023 với một vài suất chiếu ở Hà Nội, sau đó có tên trong danh sách tranh giải tại Liên hoan phim Việt Nam 2023 ở Đà Lạt vào tháng 11.

Giải Bông Sen Bạc không làm thay đổi số phận của “Đào, Phở và Piano” khi cùng thời điểm bộ phim “Đất rừng phương Nam” đang nổi như cồn.

Cách Tết Nguyên đán Giáp Thìn vài ngày, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch mới ban hành kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, "Đào, Phở và Piano" cùng một bộ phim cũng sử dụng ngân sách khác là "Hồng Hà nữ sĩ" ra nhập "đường đua" phim Tết.

Tuy nhiên, việc phải “đụng độ” với 4 bộ phim do tư nhân đầu tư sản xuất, trong đó có “Mai” của Trấn Thành một lần nữa khiến hai bộ phim trên “chìm nghỉm” với chỉ 3 suất chiếu duy nhất ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (NCC).

Ngỡ tưởng số phận hẩm hiu khiến “Đào, Phở và Piano” sẽ lại phải nằm kho, bất ngờ ngày mùng 7 Tết, bộ phim bỗng gây sốt trên mạng xã hội từ review của một tiktoker.

Lượng khán giả đặt vé tăng đột biến khiến website của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia “bị sập”. Rạp vội vã tăng suất chiếu nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người xem.

Sự “hồi sinh” của “Đào, Phở và Piano” cho thấy tín hiệu đáng mừng từ dòng phim lịch sử do Nhà nước đặt hàng. Nhưng nó cũng bộc lộ ra nhiều yếu điểm và hàng loạt hạn chế của công tác quảng bá, phát hành.

Không chỉ có “Đào, Phở và Piano” mà nghịch lý xảy ra với hầu hết những bộ phim khác lấy tiền từ ngân sách. Hàng chục tỷ đồng được đầu tư cho sản xuất nhưng công tác quảng bá, phát hành lại chỉ là 0 đồng. Hệ quả như chúng ta đều thấy, phim cất kho còn công chúng lại chẳng hề biết đến.

Quảng bá không được, phát hành cũng chẳng ra sao. Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, không có quy định chiết khấu tỷ lệ % cho các rạp chiếu phim nhà nước đặt hàng. Bởi thế, “Đào, Phở và Piano” dù “sốt sình sịch” thì đến nay vẫn chỉ được chiếu duy nhất ở NCC. Công chúng sẽ tiếp tục phải xếp hàng dài.

Tất nhiên, để một bộ phim muốn đến được với đông đảo công chúng thì không chỉ có công tác quảng bá, phát hành. Nếu nội dung không được đầu tư bài bản thì “không có cửa” để ra rạp huống hồ là cạnh tranh phòng vé.

Hiện tượng “Đào, Phở và Piano” cũng là cơ hội để những nhà quản lý văn hóa, những nhà làm phim thay đổi về mặt tư duy sản xuất và phát hành.

Đừng chỉ trông chờ vào sự may mắn nhất thời như “Đào, Phở và Piano”!

Nếu không sớm tháo gỡ những nút thắt đang trói buộc thì hoài bão thực hiện công nghiệp văn hóa, trong đó điện ảnh là ngành mũi nhọn chỉ là giấc mơ xa vời.

Biên Th y