Chính trị

Phát huy truyền thống tốt đẹp, tiếp tục vun đắp và tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào

26/02/20 - 17:23

Ngày 26/2, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: TTXVN

Đây là sự kiện quan trọng góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.

Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith thông báo cho nhau về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước, trong đó, có công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và những nội dung hai bên cùng quan tâm; đánh giá kết quả quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian qua; thống nhất những định hướng lớn trong quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào vào thời gian tới.

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng, đánh giá cao quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào phát triển ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó, quan hệ chính trị tiếp tục được tăng cường; hợp tác quốc phòng-an ninh được thúc đẩy có hiệu quả; hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật có bước chuyển biến tích cực.

Hai nhà lãnh đạo chúc mừng những thành tựu quan trọng và toàn diện mà nhân dân hai nước đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, cũng như trong thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng; cảm ơn về sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa dành cho nhau trong thời gian qua.

Hai bên nhấn mạnh truyền thống lịch sử gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau; khẳng định quan hệ Việt Nam-Lào là tài sản vô giá của hai dân tộc, là tất yếu khách quan, quy luật lịch sử và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai Đảng, hai nước cần được phát huy, truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Quan hệ Việt Nam-Lào luôn giữ vai trò quan trọng đặc biệt, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trước sau như một, quan hệ Việt Nam-Lào luôn giữ vai trò quan trọng đặc biệt, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; đồng thời, nhấn mạnh một số nội dung chính nhằm tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới.

Nhất trí với những ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ Việt Nam-Lào đối với an ninh và phát triển của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone đánh giá cao những kết quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật, quốc phòng-an ninh; đồng thời, đề xuất một số phương hướng hợp tác cụ thể giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí trong bối cảnh tình hình hiện nay, hai Đảng, hai nước cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tăng cường tình đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, tiếp tục đưa quan hệ chính trị đi vào chiều sâu, là nòng cốt định hướng tổng thể quan hệ giữa hai Đảng, hai nước; đẩy mạnh trụ cột hợp tác về quốc phòng-an ninh và đối ngoại; tạo đột phá trong hợp tác kinh tế; thúc đẩy hợp tác về giáo dục, văn hóa, khoa học-kỹ thuật và giao lưu nhân dân trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước. Bên cạnh đó, chú trọng hợp tác giữa các ban của Đảng, các bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, Đoàn thể, tổ chức nhân dân và các địa phương hai nước.

Hai bên khẳng định cần phát huy hiệu quả các cơ chế hiện có, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực, đồng thời xây dựng những cơ chế mới phù hợp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, vì lợi ích thiết thực của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.