Việt Nam tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2026-2028
Chính trị - Ngày đăng : 10:22, 27/02/20
Sáng 26/2, tại Geneva, Thụy Sĩ, đã khai mạc Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tham dự Phiên họp có 1 Tổng thống, 9 Phó Tổng thống/Phó Thủ tướng và 83 Bộ trưởng các nước thành viên Liên Hợp Quốc, cùng Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng Thư ký và Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp.
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, sau hơn 75 năm thông qua Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, 30 năm thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna về quyền con người, nhân loại vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước và nhiều bất công xã hội khác. Các quyền con người chỉ có thể được bảo đảm tốt nhất khi hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế được duy trì và tôn trọng, Nhà nước đặt người dân vào trung tâm mọi chính sách và bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững.
Bộ trưởng nhấn mạnh Hội đồng Nhân quyền cần tập trung thúc đẩy các ưu tiên cao nhất đối với người dân là việc thụ hưởng các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền phát triển và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Bộ trưởng đề nghị Hội đồng Nhân quyền quan tâm thúc đẩy thực thi Nghị quyết 52/19 do Việt Nam chủ trì đề xuất, nhất là kêu gọi các quốc gia thúc đẩy tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, khoan dung, bao trùm, thống nhất và trân trọng sự khác biệt, đối thoại, hợp tác.
Nêu bật những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%, đồng thời tiếp tục dành trung bình hàng năm khoảng 3% GDP cho bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo, qua đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và quyền lương thực cho hàng triệu người ở nhiều khu vực trên thế giới. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. Tại Khóa 56 tháng 6/20, Việt Nam sẽ đề xuất nghị quyết hàng năm về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV, trong đó đã thực hiện hoàn toàn gần 90% số khuyến nghị nhận được năm 2019.
Để tiếp nối những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu các nước nhấn mạnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với những thách thức ngày càng gia tăng đối với việc bảo đảm quyền con người như xung đột vũ trang, bất ổn tại nhiều khu vực nhất là ở Gaza, cùng với đó là hàng loạt thách thức toàn cầu ngày càng phức tạp như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, an ninh lương thực. Bên cạnh đó là sự phát triển nhanh và mạnh của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, đang ngày càng đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo đảm đầy đủ và toàn diện các quyền con người. Các lãnh đạo Liên Hợp Quốc cho rằng hiện nay, các xung đột vũ trang, bất ổn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thụ hưởng các quyền con người, đồng thời cảnh báo có hai cuộc chiến chống lại người nghèo và môi trường, trong đó các nhóm dễ bị tổn thương là những người chịu những hậu quả nặng nề nhất.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis kêu gọi Hội đồng Nhân quyền đẩy mạnh đối thoại, tìm kiếm giải pháp chung toàn diện, đáp ứng quan tâm của các nước đang phát triển, đảo nhỏ trong vấn đề biển đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ nhân đạo cho người dân trong xung đột, xử lý nguyên nhân gốc rễ của tình trạng phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và các hệ quả của chủ nghĩa thực dân.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy hòa bình và bảo vệ quyền con người quyền, phát huy vai trò của chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, bảo vệ thường dân, cơ sở hạ tầng dân sự trong xung đột. Tổng Thư ký kêu gọi các nước ủng hộ các chương trình nghị sự, sáng kiến lớn của Liên Hợp Quốc như Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tháng 9/20 tới, Thỏa thuận Số toàn cầu, đẩy nhanh tốc độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Ông Guterres cho rằng, cần cải tổ các định chế tài chính quốc tế đã lỗi thời theo hướng công bằng hơn cho các nước đang phát triển, cũng như bảo đảm công lý khí hậu, trong đó các nước G20 phải đi đầu cắt giảm nhiên liệu hóa thạch, các nước phát triển phải hỗ trợ tài chính hỗ trợ các hoạt động thích ứng của các nước đang phát triển.
Cao ủy Nhân quyền Volker Türk nêu quan ngại về tình trạng xung đột gia tăng ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân; nhấn mạnh đóng góp của hệ thống nhân quyền Liên Hợp Quốc và các nước trong năm 2023 kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế, với 0 nước và 255 tổ chức quốc tế tham gia đưa ra 770 cam kết tự nguyện.
Khóa họp lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra từ ngày 26/2 đến ngày 5/4/20 và sẽ xem xét 10 đề mục, thảo luận về các vấn đề như quyền của người khuyết tật, quyền trẻ em, chống hận thù tôn giáo, đối thoại với các báo cáo viên đặc biệt… Đây là khóa họp đầu tiên trong năm 20 của Hội đồng Nhân quyền, năm thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Trong năm 20, Hội đồng Nhân quyền sẽ còn 2 Khóa họp thường kỳ, dự kiến tổ chức vào các tháng 6-7 và 9-10.
Trong khuôn khổ chương trình tham dự Phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ngày 26/2 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có các cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres; Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Dennis Francis; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Murat Abugaliuly Nurtleu; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Morocco Abdellatif Ouahbi.