Đời sống

42 cá nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”

Minh Lý 29/02/20 - 07:17

Chiều ngày 28/02, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội” ngành thủ công mỹ nghệ năm 2023 cho 42 cá nhân. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự và trao Bằng Nghệ nhân cho các cá nhân đạt danh hiệu.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, để ghi nhận công lao của các nghệ nhân, UBND thành phố đã ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội tại Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND ngày 18/5/2009.

Theo đó, các nghệ nhân sau khi được phong tặng Nghệ nhân Hà Nội được UBND thành phố cấp Bằng chứng nhận “Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ”. Đồng thời, được hưởng các quyền lợi như: Được tổ chức truyền, dạy nghề trực tiếp và thu tiền học phí của các học viên, được miễn các loại thuế trong hoạt động truyền và dạy nghề, thuế thu nhập khi chuyển nhượng mẫu mã sáng tác cho đơn vị, cá nhân sản xuất;

cac-san-pham-thu-cong-my-nghe-ha-noi..png
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội.

Được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn trong nước theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề án đào tạo nghề, truyền nghề, hoạt động nghiên cứu, thiết kế cải tiến mẫu mã sản phẩm, đổi mới công nghệ; được tham gia trưng bày giới thiệu miễn phí các sản phẩm do chính nghệ nhân làm ra khi tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế theo kế hoạch phê duyệt…

Theo báo cáo của Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ năm 2023, trong số các cá nhân được đề nghị xét tặng, các sản phẩm rèn của 4 cá nhân có giá trị sử dụng, kỹ thuật cao. Các cá nhân rất tâm huyết với nghề, góp phần bảo tồn, nắm vững và phát huy nghề truyền thống dân tộc. Nhiều sản phẩm gia công phục chế nhiều đồ sắt cổ và giả cổ có tính thẩm mỹ cao được nhiều khách hàng trong và ngoài nước sang đặt hàng.

Các sản phẩm, tác phẩm tự sáng chế có tính ứng dụng cao, tiêu biểu được trưng bày tại nhà truyền thống làng nghề, gồm: Rìu đẽo gỗ; tay cầm gõ cửa; các loại dao, kéo cắt thực phẩm và các vật liệu khác như cao su, tôn, sắt…; kéo khoét lỗ; búa rìu...

Sở Công thương Hà Nội đã nhận được tổng số 46 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2023 của 13 quận, huyện, thị xã.

Sau khi phân tích, đánh giá, Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2023 trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ đã tiến hành bỏ phiếu bầu, xét tặng danh hiệu cho 42 cá nhân đạt 9/9 phiếu của hội đồng (đạt tỷ lệ 100%).

lanh-dao-thanh-pho-ha-noi-chup-anh-luu-niem-cung-42-nghe-nhan-duoc-phong-tang-lan-nay..png
Lãnh đạo thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng 42 Nghệ nhân được phong tặng lần này.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ thuật, mỹ thuật cho các nghệ nhân, tổ chức các cuộc thi thợ giỏi để lựa chọn tạo dựng lớp nghệ nhân kế cận.

Đồng thời, tổ chức hội chợ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ thường niên, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm phát triển mẫu mã sản phẩm cho các nghệ nhân làng nghề. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tuyên truyền công tác phát triển Nghệ nhân Hà Nội tại các làng nghề làm nòng cốt phát triển “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống”.

Riêng với các nghệ nhân, tích cực tham gia đào tạo, truyền nghề, phát triển nghề và tích cực nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm, đầu tư công nghệ sản xuất mới, từ đó, đưa ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Minh Lý