Giữ vững bình yên tuyến biên giới biển
Phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ bình yên biên giới biển, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
Thị xã Hoàng Mai nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Nghệ An, phía Bắc giáp với thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), phía Nam và phía Tây giáp với huyện Quỳnh Lưu, phía Đông giáp với Biển Đông.
Địa bàn khu vực biên giới biển của thị xã có chiều dài ,5 km đường biên giới biển, 01 cửa Lạch Cờn. Có 3 xã, phường nằm trong khu vực biên giới biển gồm xã Quỳnh Lập, Quỳnh Liên và phường Quỳnh Phương, có tổng dân số 9.117 hộ/39.876 khẩu, có 1.083 phương tiện tàu thuyền lớn, nhỏ; 6.711 lao động đánh bắt hải sản. Ngành nghề chủ yếu của 3 xã, phường biên giới biển là nuôi trồng, khai thác, đánh bắt và chế biến thủy sản, sản xuất rau màu, dịch vụ du lịch biển gắn với du lịch tâm linh.
Hàng năm, ngư dân đánh bắt sản lượng hải sản đạt tới hàng chục ngàn tấn. Tổng sản lượng khai thác năm 2023 ước đạt hơn 59.410 tấn. Ngư dân Hoàng Mai hoạt động đánh bắt theo từng đoàn, đội và chủ yếu khai thác hải sản ở các ngư trường thuộc vùng biển Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa.
Với phương tiện đánh bắt hải sản và lực lượng ngư dân như thế, việc tuyên truyền, phổ biến các luật, nghị định, các văn bản liên quan về biển… góp phần nâng cao ý thức trong việc chấp hành tốt các quy định về khai thác hải sản ở ngư trường là điều hết sức cần thiết. Bởi trong thời gian qua, vì lợi nhuận kinh tế và thiếu kiến thức các quy định về biển nên một số ngư dân đã đánh bắt ra ngoài phạm vi chủ quyền biên giới biển của Việt Nam.
Để góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân trong quá trình khai thác hải sản, lực lượng chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã tăng cường công tác tuyên truyền về chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm, nghề nghiệp của từng đối tượng như tuyên truyền tập trung, tuyên truyền cá biệt, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, qua hội họp, hội nghị, sinh hoạt học tập, tập huấn, phát tờ rơi, hoạt động VHVN….
Kết quả, đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL được 175 buổi/14.921 lượt người nghe. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ biên giới. Tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức, trách nhiệm của Nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới đã được nâng lên rõ rệt.
Một mặt tăng cường công tác tuyên truyền, mặt khác lực lượng chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Phương luôn quan tâm, tổ chức quản lý phương tiện cũng như người khai thác hải sản một cách chặt chẽ. Đồng thời cũng luôn chú trọng đến việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính để giúp ngư dân thuận tiện hơn trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản.
Trong những năm gần đây, việc thời tiết thay đổi thất thường, bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra thường xuyên… đã gây thiệt hại không nhỏ đến người và tài sản của ngư dân địa phương. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và của cho ngư dân đang khai thác đánh bắt hải sản, nhất là đối với tàu khai thác tuyến khơi, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tăng cường các bản tin về thời tiết cũng như giữ liên lạc và hỗ trợ kịp thời thông qua thiết bị định vị và máy điện đường dài.
Hiện nay, hầu hết các tàu đều được trang bị thiết bị định vị hải đồ, máy điện đường dài, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ, điều này góp phần giúp ngư dân giữ được thông tin với đất liền.
Đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát; kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo đầy đủ thủ tục, giấy tờ, trang thiết bị bảo đảm an toàn theo quy định; tập trung vào tàu cá có chiều dài từ m trở lên.
Ðồng thời, phát huy hiệu quả hệ thống thông tin liên lạc, cập nhật thông tin tàu cá vào hệ thống phần mềm quản lý, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến tại các trạm kiểm soát biên phòng trên địa bàn tỉnh và liên thông với các cảng cá để quản lý theo dõi tàu cá xuất, nhập bến, hoạt động trên biển; tiếp tục duy trì giám sát / giờ hệ thống giám sát tàu, kịp thời thông báo và kêu gọi các tàu cá vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài trở về vùng biển Việt Nam, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trung tá Hồ Văn Thịnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quỳnh Phương cho biết: Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã tổ chức quán triệt và chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Thị uỷ, UBND thị xã Hoàng Mai đối với công tác quản lý Nhà nước về biên giới quốc gia; công tác quản lý bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn ANCT, TTATXH khu vực biên giới biển.
Tham mưu, đề xuất với cấp trên, chính quyền địa phương về chủ trương, giải pháp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu và nâng cao trình độ tác chiến, khả năng cơ động chiến đấu.
Với phương châm "xây dựng, củng cố nền Biên phòng toàn dân vững mạnh", Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, các lực lượng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về biên giới, góp phần xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh, nổi bật là: Chương trình xây dựng "Nhà đại đoàn kết", của MTTQ các cấp; Chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật về biên giới cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS ở KVBG của ngành Giáo dục, Đào tạo; Hội Liên hiệp thị xã với phong trào “Câu Lạc bộ tôi yêu Biển xanh”, “Câu lạc bộ phụ nữ với Pháp luật”; chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương".
Đồn Biên phòng Quỳnh Phương giới thiệu đảng viên tham gia sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ vùng giáo, củng cố cơ sở chính trị vùng đặc thù; Tết vì người nghèo, chương trình "Nâng bước em tới trường". Đoàn thanh niên với chương trình "Vì nghĩa tình biên giới, hải đảo", mùa đông ấm “Thắp nến tri ân”, “tuổi trẻ với biển đảo quê hương”, “Áo xanh tình nguyện", "Cột mốc Trường Sa".
Ngành Tư pháp với hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao kỹ năng hòa giải cho đội ngũ cán bộ cơ sở trong giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Liên đoàn Lao động với chính sách hỗ trợ nghiệp đoàn nghề cá vươn khơi bám biển, khai thác hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hội Nông dân với phong trào tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân, “An toàn nghề cá bình yên biển đảo”... Những việc làm ý nghĩa nêu trên đã tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, xây dựng KVBG biển ngày càng vững mạnh.
Sự chung sức của Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã tạo gắn kết tình cảm giữa những người lính Biên phòng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân ngày một bền chặt, là chỗ dựa tin cậy của ngư dân. Cũng nhờ sự hỗ trợ hiệu quả của những người lính quân hàm xanh đã góp phần giữ bình yên nơi biên giới biển, giúp các địa phương vùng biển xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.