An ninh trật tự

Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo hỗ trợ “lấy lại tiền”

Trần Khanh 04/03/20 - 13:29

Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận tin báo của một số người dân về việc bị các đối tượng giả danh công ty luật, văn phòng luật sư, lực lượng an ninh mạng... giới thiệu cung cấp dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa qua mạng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, vào tháng 12/2023, chị N.T.P. (trú tại phường Hà Phong, TP. Hạ Long) do cả tin nên đã tham gia đầu tư chứng khoán qua mạng và bị lừa đảo số tiền 210 triệu đồng. Khi biết mình bị lừa, chị N.T.P. không trình báo ngay tới cơ quan Công an mà tự tìm hiểu cách để lấy lại số tiền bị lừa thông qua các trang, hội nhóm trên mạng xã hội Facebook.

Qua tìm hiểu, chị N.T.P. biết được trang Facebook “Văn Phòng Luật Minh Khuê - Hỗ Trợ Thu Hồi Vốn Treo” có quảng cáo hỗ trợ dịch vụ lấy lại tiền bị lừa qua mạng nên chủ động liên lạc, làm theo hướng dẫn của các đối tượng và tiếp tục bị lừa thêm số tiền hơn 800 triệu đồng.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là lập ra các trang, hội nhóm trên mạng xã hội Facebook có nhiều lượt tương tác cao để thu hút những nạn nhân bị lừa đảo tham gia. Đối tượng sẽ giả mạo luật sư, chuyên gia và cam kết hỗ trợ lấy lại tiền cho những người dân đã bị lừa trước đó.

anh-r3r3r3r.png
Người dân không chuyển tiền cho người lạ, nếu chưa biết rõ người nhận tiền là ai, ở đâu.

Sau khi có được sự tin tưởng của nạn nhân, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền và hình thức bị lừa. Các đối tượng tự nhận là sở hữu hệ thống chuyên biệt, có khả năng truy quét được toàn bộ dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.

Để lấy lại số tiền bị lừa, nạn nhân sẽ được yêu cầu chuyển từ 2-5 triệu đồng vào hệ thống (thực chất là tài khoản của đối tượng) với lý do xác nhận ủy quyền xử lý hồ sơ rút tiền về cho nạn nhân.

Tuy nhiên, sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng liên tiếp đưa ra các lý do khác nhau như phí kích hoạt giải ngân, phí nâng cấp hạn mức nhận tiền cho tài khoản, phí nâng cấp điểm tín nhiệm... nhằm yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển tiền nữa.

Chỉ đến khi nạn nhân không còn khả năng nộp tiền, thì các đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc rồi chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, có trường hợp đối tượng giả mạo trang, hội nhóm Facebook của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và cam kết hỗ trợ nạn nhân thu hồi tiền bằng cách truy cập vào đường dẫn của trang web chơi cờ bạc trực tuyến.

Đối tượng thông báo sẽ hack vào 2 khung giờ trên trang web đánh bạc, đảm bảo khi nạn nhân đóng tiền đặt lệnh sẽ thu được lãi.

Ban đầu, đối tượng sẽ cho nạn nhân thắng với số tiền nhỏ, khi nạn nhân đặt lệnh với số tiền lớn thì đối tượng sẽ đưa ra nhiều lý do để yêu cầu nạn nhân nộp thêm tiền nhiều lần rồi chiếm đoạt.

Để không trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân: “Cần chủ động nâng cao nhận thức, kiến thức thông qua các phương tiện truyền thông về các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng”.

Đồng thời, người dân đề cao cảnh giác, cần kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền cho bất cứ ai, nếu chưa xác nhận chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu.

Khi phát hiện, nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần trình báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.

Trần Khanh