Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “H Nội 2016 - Hợp tác đầu tư v phát triển”
Chính trị - Ngày đăng : :23, 04/06/2016
Cùng tham dự Hội nghị có Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và trên 500 đại biểu là lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP.Hà Nội, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và phát triển"
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị lớn về doanh nghiệp với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo thành phố, các Bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế sau Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước ngày 29/4/2016 tại thành phố Hồ Chí Minh, với 5 nội dung rất ý nghĩa: Gặp mặt doanh nghiệp - Giải quyết kiến nghị - Kêu gọi đầu tư - Ký kết hợp tác - Vinh danh doanh nghiệp.
“Chúng ta cũng thấy được sự quyết tâm cao độ của chính quyền Hà Nội: Coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”, Thủ tướng biểu dương.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính của chúng ta.
Về việc xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cần lưu ý áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin để lãnh đạo thành phố có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết với doanh nghiệp, người dân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; chẳng hạn: thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và doanh nghiệp ở một số cơ quan, quận, huyện trên địa bàn thành phố; có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời, thích đáng với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thủ tướng lưu ý, việc xây dựng năng lực hệ thống, tạo được động lực làm việc chính là nền tảng quan trọng để thực hiện sự đổi mới, cải cách kinh tế- xã hội và kết quả mới bền vững, lâu dài.
Hà Nội cần phát triển trong mối liên kết vùng, để mở rộng không gian phát triển, cộng hưởng những lợi thế sẵn có.
Thủ tướng cũng đặt yêu cầu về công tác quy hoạch đối với Hà Nội, với quan điểm quy hoạch của một thành phố không phải là một bản vẽ kỹ thuật, mà phải là sự tổng hòa của các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. “Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới việc làm quy hoạch có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính phủ điện tử; Chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho trong tất cả các lĩnh vực; Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng thế chế; quản lý điều hành bằng cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế; đề cao trách nhiệm cá nhân. Vấn đề gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm.
Các đại biểu dự Hội nghị
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết, ngay từ tháng 6/2016, các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng. Cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư. Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%, nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%. Giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch. Rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng xuống còn 21 đến 26 ngày, giảm từ 10 đến ngày so với quy định.
Giới thiệu về thu hút đầu tư của thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Kế thừa thành tựu đạt được sau 30 năm đổi mới, Hà Nội bước vào giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo với những thuận lợi và thách thức đan xen. Tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô: Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Thành phố Hà Nội cam kết nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo, trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác với các bạn để cùng nhau phát triển, coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, doanh nghiệp và doanh nhân là chủ thể và được tạo mọi điều kiện để phát triển. Chúng tôi chân thành mời gọi và sẵn sàng hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm tới tiềm năng, lợi thế và chung tay cùng xây dựng Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của một quốc gia hòa bình, hữu nghị, năng động và phát triển, thực sự trở thành điểm đến đầu tư an toàn và thành công của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, ngay tại hội nghị này, đến thời điểm này đã có 70 nhà đầu tư gửi công văn đăng ký vào 52 dự án thuộc danh mục các dự án kêu gọi đầu tư thành phố đưa ra, với tổng vốn đầu tư khoảng 300.000 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ Hội nghị hôm nay, Thành phố Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 nhà đầu tư, với 16 dự án có vốn đầu tư trong nước và 7 dự án đầu tư nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.