Đời sống

Bộ trưởng Bộ GTVT: 'Khánh thành cao tốc thì phải hoàn thành các trạm dừng nghỉ chân'

Đức Hồ 05/03/20 - 22:07

Ngày 5/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã đi kiểm tra công trình thi công dự án cao tốc Bắc – Nam các đoạn qua tỉnh Bình Định và Phú Yên.

Bộ trưởng Bộ GTVT biểu dương và ghi nhận nỗ lực của hai tỉnh Bình Định, Phú Yên và đơn vị chủ đầu tư, nhà thầu trong thi công cao tốc.

“Đây là dự án quan trọng của hệ thống giao thông cao tốc Bắc-Nam phía Đông. Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các đơn vị trong thi công. Rõ ràng ở giai đoạn 2 này, tôi thấy sự phối hợp giữa Ban quản lý dự án, nhà thầu và địa phương tốt hơn giai đoạn 1. Đối với hai đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và Quy Nhơn - Chí Thạnh (Phú Yên) về cơ bản vượt tiến độ”, ông Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, kế hoạch đặt ra ban đầu là 31/12/2025 hoàn thành cao tốc. Với thực tế hiện nay, đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh phấn đấu hoàn thành quý 3 năm 2025, hoàn thành sớm ít nhất 1 quý so với kế hoạch.

830dacfa-39dd-43a5-8b6b-4f85039b0c16.jpeg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra công trình thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn.

“Tiến độ phải đảm bảo thậm chí là vượt. Song vấn đề quan trọng là tiến độ phải đi cùng với chất lượng. Nghĩa là hoàn thiện nhanh, chất lượng tốt, đường đi êm, thuận lợi và hạ tầng kỹ thuật phải đầy đủ”, ông Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.

Thượng tá Nguyễn Văn Toàn - Chỉ huy Trưởng gói thầu XL11, dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn cho biết, tại gói thầu do Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thi công, hiện đơn vị này bị vướng 1 triệu m3 đất và 1,3 triệu m3 đá thi công và 0,3 triệu m3 đất đổ bãi thải, đang nằm trong diện tích đất rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi.

"Để bóc tách, xay được hơn 1 triệu m3 đá phục vụ dự án phải mất 2 năm, trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công trình phải khánh thành tháng 6/2025, chắc chắn không kịp tiến độ, sẽ vỡ trận", ông Toàn cho hay.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ 3 đoạn dự án, cơ bản đã hoàn thành.

Tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng đã đồng thuận nhận bồi thường, giao mặt bằng thi công.

Chỉ còn vướng 2 tổ chức nhưng khối lượng mặt bằng không nhiều, vì tính đặc thù nên phải chờ đơn vị tư vấn đơn giá, sẽ sớm hoàn thành di dời.

c58b0b-5613-49a1-8079-ad064e7571df.jpeg
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Vẫn còn 12,63ha rừng tự nhiên với khối lượng đào đất đá rất lớn khoảng 2,6 triệu m3 nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.

“Tại tỉnh Bình Định chỉ còn một cái vướng là đất rừng tự nhiên, hiện nay Bộ TN&MT đang tổng hợp lấy ý kiến của tỉnh, chuẩn bị trình Chính phủ xin ý kiến Ban thường vụ Quốc hội. Tôi đã chủ động chỉ đạo 2 địa phương Hoài Ân, Phù Mỹ làm sẵn các thủ tục, sau khi có nghị quyết phê duyệt thì nhanh chóng phê duyệt đấu giá tài sản trên đất rừng. Theo quy định buộc phải đấu giá nên chúng tôi không có cách nào mà cho thi công trước được”, ông Hoàng cho biết.

Theo ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Phú Yên khoảng 90km. Đến nay, tỉnh thực hiện bàn giao mặt bằng 97,5%, thi công đạt 86%.

Theo đó, khu vực Xuân Lộc ngoài việc xử lý nền đất yếu, còn vướng các hộ chưa giao mặt bằng. Thị xã Sông Cầu đã vận động từ 77 hộ giao mặt bằng, hiện còn lại 55 hộ, khả năng cưỡng chế rất cao.

Ở huyện Tuy An, trong hai ngày 5-6/3, huyện tổ chức cưỡng chế để bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, các vướng mắc như xây dựng khu tái định cư, điểm đổ chất thải, di dời hạ tầng kỹ thuật… tỉnh Phú Yên chỉ đạo quyết liệt để khẩn trương thực hiện. “Dự kiến cuối tháng 4 này đảm bảo giao đầy đủ mặt bằng cho nhà đầu tư” - ông Hổ cam kết.

Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu tỉnh Phú Yên tập trung giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng. Về chế độ, chính sách phải vận dụng quy định đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng. Trường hợp người dân bàn giao mặt bằng chưa có chỗ ở, thì tỉnh phải tính toán hỗ trợ tiền cho người dân tạm cư, trong trường hợp tái định cư chưa hoàn thành.

Khi đã áp dụng những điều kiện thuận lợi nhất, những trường hợp cố tình chây ì, tỉnh phải dứt khoát tổ chức cưỡng chế.

Bộ trưởng Bộ GTVT lưu ý, tiến độ tốt nhưng dự án phải hoàn thành đồng bộ. Đường không chỉ xong hạ tầng phần cứng mà hoàn thiện cả phần mềm, như hệ thống quản lý giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ.

Bởi, cao tốc Bắc - Nam sẽ là trục giao thông huyết mạch, lưu lượng phương tiện rất lớn. Nếu trạm dừng nghỉ triển khai chậm sẽ dẫn hệ lụy xe cộ dừng nghỉ trên cao tốc, mất an toàn giao thông, mỹ quan.

Trạm dừng nghỉ không chỉ đảm bảo tiêu chuẩn mà phấn đấu vượt chuẩn, quy mô và tiện ích nhất. Địa phương cần vào cuộc, hỗ trợ để triển khai kịp thời.

“Phải làm khẩn trương, thực hiện ngay từ bây giờ để khi khánh thành cao tốc thì hoàn thành các trạm, dừng nghỉ chân. Các trạm dừng nghỉ chân rất cần thiết. Ngoài việc có chỗ cho tài xế, hành khách nghỉ ngơi thì các tỉnh nghiên cứu xây dựng trạm dừng chân thành nơi kinh doanh các mặt hàng đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương", Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Đức Hồ