Đời sống

Công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình: Mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động 'lấn biển'

Mai Đỉnh 05/03/20 22:18

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tham dự hội nghị, trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh.

Cùng dự có đồng chí Trần Quốc Vượng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Thường trực Ban Bí thư; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh đã công bố Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững; phấn đấu đến năm 2030, Thái Bình là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm.

Quy hoạch tỉnh đã xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá, 4 không gian kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Quy hoạch tỉnh cũng có nhiều điểm mới, đột phá như: Mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”, Thái Bình phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển; mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn;

Xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại với thành phố Thái Bình là đô thị hạt nhân của tỉnh và là một trong những đô thị lớn của vùng, “trở thành đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng”, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại; thành phố cảnh quan hai bên bờ Trà Lý; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi; phát triển công nghiệp dược - sinh học, sân bay chuyên dụng, đường sắt...

thai-binh-cong-bo2.jpg
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Phó Thủ tướng Chính phủ chúc mừng những kết quả mà tỉnh Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong việc thu hút nguồn vốn FDI và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng đây chính là "chìa khóa" để Thái Bình mở ra cơ hội mới, con đường mới để phát triển. Cùng với các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tiếp cận đất đai dễ dàng, phát triển Khu Kinh tế Thái Bình và các dự án trên địa ven biển, hướng biển; truyền thống làm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới...

Thái Bình còn nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp của người Thái Bình thành đạt ở trong nước và quốc tế, luôn hướng về quê hương, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Hơn nữa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình luôn đoàn kết, thống nhất, đặc biệt sự đoàn kết, thống nhất thể hiện trong tập thể lãnh đạo tỉnh.

Với những điều kiện thuận lợi đó, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tin tưởng Thái Bình đã và đang đi đúng hướng; đồng thời sẽ có sự bứt phá, phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Về triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị tỉnh Thái Bình tuân thủ đúng định hướng và giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đồng bộ Quy hoạch tỉnh với hệ thống quy hoạch cấp dưới và các kế hoạch đã đề ra, đồng thời thấu hiểu quy hoạch để triển khai thực hiện có hiệu quả.

thai-binh-cong-bo5.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tiếp thu và bế mạc hội nghị, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trân trọng cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức kinh tế; đồng thời, biểu dương sự nỗ lực của UBND tỉnh và các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh; đồng thời nhấn mạnh: Đây là căn cứ pháp lý quan trọng, là "kim chỉ nam" và là "tuyên ngôn" về khát vọng vươn lên và định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong nội dung Quy hoạch, đưa định hướng, tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển của tỉnh Thái Bình trở thành hiện thực, đồng chí đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị trong tỉnh tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân; cung cấp kịp thời những thông tin về Quy hoạch tỉnh.

Giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên của tỉnh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới của tỉnh; thông qua đó thúc đẩy thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh; đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao để thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh.

Trên cơ sở nội dung quy hoạch, các cấp, các ngành, các địa phương cần phối hợp tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Nghiên cứu, đánh giá mức độ thiết yếu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt; các công trình hạ tầng trọng điểm, có tính đột phá, sức lan tỏa, trong đó tập trung thực hiện 03 khâu đột phá phát triển mang tính then chốt Quy hoạch tỉnh đề ra.

thai-binh-cong-bo4.jpg
Toàn cảnh hội nghị

Tiếp tục đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy chính quyền số làm động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khơi dậy và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng quê hương Thái Bình; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, giáo dục; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ đắc lực cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng với sự đoàn kết, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ban ngành trung ương, các tỉnh, thành phố, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, đột phá và trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Hồng.

thai-binh-cong-bo3.jpg
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP bên lề hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư vào tỉnh, với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Thái Bình là tỉnh nằm ở khu vực duyên hải Bắc Bộ, rộng hơn 1.570 km2, có ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển Đông; bờ biển dài 54 km; có 1 thành phố, 7 huyện, dân số trên 1,8 triệu người. Khu vực ven biển của tỉnh hiện có Khu kinh tế Thái Bình, được thành lập năm 2017, rộng hơn 30 nghìn ha, thuộc địa bàn 2 huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải. Tại Khu kinh tế này hiện có các Khu công nghiệp Tiền Hải, Liên Hà Thái, Hải Long, với nhiều dự án kinh tế đã và đang được triển khai.

Mai Đỉnh